Hướng dẫn thủ tục mua bán nhà đất mới nhất năm 2022

Nhà đất là tài sản có giá trị lớn, do đó cả bên bán và bên mua cần tuân thủ thủ tục mua bán nhà đất theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho mình. Trong bài viết dưới đây, Nhà đất Cafeland chia sẻ đến bạn thủ tục mua bán nhà đất mới nhất năm 2022.

Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, để thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở thì người sử dụng đất phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

  • Phải có Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc Sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất).

  • Nhà đất được chuyển nhượng không bị vướng tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu.

  • Quyền sử dụng đất và nhà ở không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

  • Đất được chuyển nhượng còn trong thời hạn sử dụng.

  • Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều kiện của bên nhận chuyển nhượng đất 

Những đối tượng thuộc một trong số các trường hợp sau thì không được quyền nhận chuyển nhượng đất:

  • Cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

  • Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất trồng lúa của các cá nhân/ hộ gia đình ngoại trừ trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

  • Cá nhân, hộ gia đình không phải là người trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa.

  • Cá nhân, hộ gia đình không sinh sống trong khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

Xem thêm: Thủ tục mua bán đất nông nghiệp (Cập nhật 2022)

Quy trình thủ tục mua bán nhà đất mới nhất năm 2022

Dưới đây là quy trình thủ tục mua bán nhà đất mới và nhanh nhất năm 2022 được Nhà đất Cafeland tổng hợp từ các nguồn thông tin uy tín.

Bước 1: Kiểm tra tính pháp lý của nhà đất

Để tránh mua phải nhà đất chưa có Sổ đỏ, Sổ hồng hoặc mua phải nhà đất có Sổ đỏ, Sổ hồng giả; nhà đất thuộc quy hoạch, nhà đất bị thế chấp thì người mua cần kiểm tra thật kỹ thông tin về nhà đất. Hiện nay, có nhiều cách để kiểm tra tính pháp lý của nhà đất, cụ thể:

  • Xin thông tin tại văn phòng Đăng ký đất đai

  • Xin thông tin trực tiếp tại trụ sở UBND xã, huyện nơi có đất

  • Xem trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện nơi có đất

  • Hỏi ý kiến công chức địa chính cấp xã hoặc người dân tại khu vực có đất

Bước 2: Đàm phán, ký kết hợp đồng đặt cọc (không bắt buộc)

Tiếp đến, bên bán và bên mua sẽ đàm phán tiền cọc và tiến hành ký kết hợp đồng đặt cọc. Đây là bước không bắt buộc phải có theo quy định của pháp luật, tuy nhiên lại là bước quan trọng để đảm bảo hai bên không “bùng kèo”.

Bên cạnh đó, khi thực hiện ký kết hợp đồng đặt cọc cần có sự chứng kiến của người thứ 3 để đảm bảo việc đặt cọc là an toàn và hợp pháp. Người này không có bất kỳ mối quan hệ gì với bên bán, bên mua và thường là Công chứng viên tại văn phòng Công chứng. 

Bước 3: Thủ tục công chứng mua bán nhà đất

Theo thời gian đã thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc, hai bên đến văn phòng Công chứng để ký hợp đồng mua bán nhà đất và công chứng/ chứng thực hợp đồng. Để hoàn tất thủ tục công chứng mua bán nhà đất, bên bán và bên mua cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

Bên bán cần chuẩn bị:

  • Bản gốc Sổ đỏ hoặc Sổ hồng

  • Bản gốc Sổ hộ khẩu

  • Bản gốc giấy tờ tùy thân của người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở. Nếu đã chuyển từ Chứng minh Nhân dân sang Căn cước Công dân thì phải cung cấp thêm văn bản xác nhận của cơ quan cấp Căn cước Công dân

  • Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (trường hợp độc thân).

  • Giấy chứng nhận kết hôn và giấy tờ tùy thân, hộ khẩu của người hôn phối (trường hợp kết hôn)

  • Hợp đồng ủy quyền (nếu có)

  • Phiếu yêu cầu công chứng

Bên mua cần chuẩn bị:

  • Bản gốc Sổ hộ khẩu

  • Bản gốc giấy tờ tùy thân

Lưu ý: Hai bên có thể tự soạn thảo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc để thuận tiện và chuyện nghiệp hơn thì nên nhờ Công chứng viên soạn thảo.

Xem thêm: Mẫu hợp đồng mua bán nhà đất mới nhất năm 2022

Sau khi các bên đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trên thì nộp và công chứng ngay tại văn phòng Công chứng. Văn phòng Công chứng có nghĩa vụ tiếp nhận hồ sơ và xử lý hồ sơ trong vòng 3 ngày. Trong thời gian này, cơ quan có thẩm quyền ra thông báo việc bổ sung hồ sơ (nếu bị thiếu), đồng thời thông báo cho người yêu cầu chuyển nhượng việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Bước 4: Thực hiện kê khai nghĩa vụ tài chính 

Sau khi nhận được thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính, bên yêu cầu chuyển nhượng phải đóng phí công chứng và thuế tại cơ quan thuế và gửi biên lai cho Văn phòng công chứng đất đai. Đây là các khoản chi phí khi tiến hành sang tên Sổ đỏ, Sổ hồng:

  • Lệ phí trước bạ phải nộp bằng 0.5% giá trị chuyển nhượng

  • Thuế thu nhập cá nhân phải nộp bằng 2% giá trị chuyển nhượng

  • Phí thẩm định hồ sơ (Mức thu do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định)

Bước 5: Nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới

Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và phí công chứng, người mua sẽ nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng theo thời gian ghi trên phiếu hẹn.

Có thể thấy, về cơ bản, thủ tục mua bán nhà đất năm 2022 không có sự thay đổi so với các năm trước. Bên cạnh đó, người mua cần lưu ý không nên ký các hợp đồng viết tay để tránh trường hợp mất cả đất lẫn tiền. Thay vào đó, nên làm thủ tục công chứng tại văn phòng Công chứng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho mình.

Xem thêm:

Hoàn Trần

  • Facebook
  • Chia sẻ
Nhadat.cafeland.vn - Kênh mua bán nhà đất - bất động sản chính chủ hàng đầu Việt Nam