Mua bán nhà đất là giao dịch dân sự, để đảm bảo quyền lợi, tránh xảy ra tranh chấp bắt buộc phải có hợp đồng mua bán nhà đất và được công chứng. Vậy, hợp đồng mua bán nhà đất là gì? Cần lưu ý gì khi ký hợp đồng mua bán nhà đất?
Hợp đồng mua bán nhà đất là giao dịch dân sự, thỏa thuận giữa các bên, người sử dụng hợp pháp chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho bên mua và bên mua có nghĩa vụ trả tiền cho bên bán.
Mẫu hợp đồng mua bán nhà ở sẽ được lập khi đã có sự đồng ý của bên mua và bên bán trong giao dịch mua bán nhà đất.
Download mẫu hợp đồng mua bán nhà đất mới nhất năm 2022 tại đây
Theo quy định của pháp luật, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (chỉ có mỗi đất), quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (đất, nhà ở, công trình xây dựng,…), hợp đồng mua bán nhà ở có hiệu lực kể từ thời điểm công chứng.
Khi hợp đồng có hiệu lực sẽ phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên như: Bên chuyển nhượng có nghĩa vụ đưa giấy tờ hợp pháp về nhà, đất cho bên nhận chuyển nhượng để thực hiện thủ tục đăng ký biến động (đăng ký sang tên), nghĩa vụ khai nộp thuế thu nhập cá nhân; bên nhận chuyển nhượng có nghĩa vụ thanh toán, khai nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu thỏa thuận nộp thay), đăng ký biến động, nộp lệ phí trước bạ,…
- Tên gọi chính xác các mẫu hợp đồng mua bán nhà đất.
- Thông tin về các bên: đầy đủ thông tin về họ tên, năm sinh, số CMND/CCCD, hoặc hộ chiếu, nơi cấp, ngày cấp và địa chỉ cư trú.
Nếu là đại diện pháp nhân cho tập thể, trong mẫu hợp đồng mua bán nhà đất phải có tên, trụ sở, mã số doanh nghiệp, giấy đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp (nếu là doanh nghiệp), thông tin về người đại diện ký kết.
Trường hợp được ủy quyền mua bán nhà đất thì ngoài thông tin người bán và người mua, Trong mẫu hợp đồng mua bán nhà đất phải thể hiện rõ thông tin của người được ủy quyền thực hiện giao dịch và căn cứ để xác định việc ủy quyền này là hợp pháp.
Nếu có bên thứ ba làm chứng khi ký kết hợp đồng mua bán nhà đất, thông tin của người chứng cũng phải được trình bày đầy đủ như người bán và người mua.
- Thông tin về tài sản: diện tích, vị trí cụ thể,... Người bán phải đưa ra được các loại giấy tờ chứng minh đó là tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc chứng minh được rằng mình đã được ủy quyền mua bán nhà đất.
- Các điều khoản liên quan đến giá trị tài sản: tổng số tiền là bao nhiêu, đồng tiền thanh toán và số tiền này đã cố định hay chưa?
Nếu giao dịch bằng ngoại tệ, bạn nên có thêm chú ý về giá trị quy đổi của ngoại tệ chính xác là bao nhiêu và ghi rõ trong hợp đồng mua bán nhà đất.
- Điều khoản liên quan đến phương thức thanh toán: bằng tiền mặt trực tiếp hoặc chuyển khoản.
- Thời hạn, địa điểm, cách thức giao nhận tài sản: Có thể là thực hiện trực tiếp, một bên giao đủ tiền một bên giao sổ, có thể thông qua đặt cọc hoặc một bên thực hiện việc giao nhận trước. Điều này cần phải có sự thỏa thuận và thống nhất ngay từ đầu giữa bạn với người bán hoặc người mua.
- Quyền và nghĩa vụ các bên liên quan trong mẫu hợp đồng mua bán nhà đất: Đối với bên bán, chuyển nhượng có quyền được nhận đủ tiền và phải có nghĩa vụ bàn giao tài sản nhà đất đúng thời hạn, địa điểm với thông tin chính xác như trong hợp đồng, bảo đảm quyền sở hữu đối với tài sản đem bán… Đối với bên mua, nhận chuyển nhượng có nghĩa vụ trả đủ tiền, đúng thời gian, có quyền yêu cầu bên bán, chuyển nhượng tài sản nhà đất đúng thời gian và địa điểm như trong hợp đồng mua bán nhà đất.
- Các điều khoản về vi phạm và đền bù hợp đồng mua bán nhà đất: đảm bảo quyền lợi cho các bên. Hãy chắc chắn các điều khoản thuộc mục này phải hợp lý và chính xác nhất có thể về số tiền phạt.
- Đảm bảo tính pháp lý của mẫu hợp đồng mua bán nhà đất: Mẫu hợp đồng mua bán nhà đất được căn cứ và đảm bảo thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành. Các điều khoản trong mẫu hợp đồng mua bán nhà đất không vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội.
Bước 1: Các bên (bên mua, bên bán) đến văn phòng công chứng để làm thủ tục mua bán nhà đất (chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất).
Các giấy tờ các bên cần cung cấp để tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng và công chứng:
- Bên bán (bên chuyển nhượng):
+ Giấy quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
+ CMND/CCCD của bên bán (cả vợ và chồng); Sổ hộ khẩu
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của bên bán.
+ Hồ sơ kỹ thuật thửa đất (trong trường hợp chuyển một phần thửa đất)
Trong trường hợp bên bán là một người cần có các giấy tờ sau :
+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu đang độc thân)
+ Bản án ly hôn + Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu đã ly hôn)
+ Giấy chứng tử của vợ hoặc chồng + Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu vợ hoặc chồng đã chết trước khi có tài sản)
+ Giấy tờ chứng minh tài sản riêng do được tặng cho riêng, do được thừa kế riêng hoặc có thỏa thuận hay bản án phân chia tài sản (Hợp đồng tặng cho, văn bản khai nhận thừa kế, thỏa thuận phân chia, bản án phân chia tài sản)
+ Hợp đồng ủy quyền bán (nếu có )
- Bên mua (Bên nhận chuyển nhượng):
+ CMND/CCCD của bên mua; sổ hộ khẩu
+ Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân của bên mua (Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân)
+ Hợp đồng ủy quyền mua (Nếu có)
Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp Giấy quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và nhận phiếu hẹn =>> Văn phòng đăng ký đất đai (UBND quận/huyện).
Bước 3: Nộp lệ phí trước bạ và thuế thu nhập cá nhận ở Cơ quan thuế.
Lệ phí trước bạ do người mua nộp, thuế thu nhập cá nhân do người bán nộp hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên.
Bước 4: Nhận Giấy quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại bộ phận nhận và trả kết quả của Văn phòng đăng ký đất đai (UBND quận/huyện).
Đọc thêm:
Phương Vũ (TH)