Kinh nghiệm thuê mặt bằng kinh doanh cho người mới

Bạn đang chuẩn bị kế hoạch kinh doanh nhưng chưa biết tìm kiếm mặt bằng ở đâu để kinh doanh tốt và hiệu quả? Dưới đây là một số kinh nghiệm thuê mặt bằng kinh doanh nhanh chóng, hiệu quả bạn có thể tham khảo.

Thế nào là mặt bằng kinh doanh tốt?

- Có vị trí thuận lợi: nơi có nhiều người qua lại thuận lợi cho cả người bán và người mua. Mặt bằng kinh doanh có mặt tiền thuận lợi cho khách mua hàng. Tránh thuê mặt bằng tại những vị trí bất tiện như nơi ít người qua lại; đường 1 chiều do khách ngại quay đầu xe hay những nơi nằm trên giao lộ có lượng người đi lại thường xuyên, đông đúc dễ ùn tắc,...

- Chất lượng mặt bằng: Mặt bằng kinh doanh được đánh giá có chất lượng tốt là có hệ thống điện nước đầy đủ, trang bị hệ thống chống cháy, chống trộm, sạch sẽ,... 

Ngoài ra còn có mặt bằng kinh doanh thô với giá thuê rẻ hơn, tùy nhu cầu sử dụng người thuê có thể chọn lựa mặt bằng phù hợp. 

- Có tiềm năng phát triển trong tương lai: Xét về lâu dài, mặt bằng kinh doanh phải có tiềm năng phát triển, vị trí thuận lợi, gần khu dân cư, nơi có lượng khách hàng ổn định, ít đối thủ cạnh tranh,... Ngoài ra, nếu có ý định thuê lâu dài, người thuê nên chú ý đến vấn đề quy hoạch của khu vực đó để có phương hướng phát triển kinh doanh phù hợp.

- Mặt bằng phù hợp với người thuê: về cả mục đích kinh doanh và khả năng chi trả của người thuê.

- Thái độ chủ cho thuê: Đây cũng là yếu tố để đánh giá một mặt bằng thuê kinh doanh tốt. Chủ nhà thân thiện, chuyên nghiệp, tạo được nhiều thiện cảm tốt giúp người thuê thấy thoải mái. Ngoài ra, người thuê cần cân nhắc thêm yếu tố phong thủy trước khi quyết định thuê. 

Dưới đây là một số kinh nghiệm thuê mặt bằng kinh doanh người mới không nên bỏ qua 

Xác định mục đích kinh doanh

Xác định rõ ràng mục đích kinh doanh giúp người thuê quyết định lựa chọn thuê vị trí thuận lợi, địa điểm kinh doanh phù hợp với sản phẩm. Từ đó, bạn sẽ xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu, lựa chọn được vị trí phù hợp, đảm bảo lượng khách hàng ổn định.

Người thuê cần tìm hiểu thông tin liên quan đến sản phẩm mình có kế hoạch kinh doanh. Người dân khu vực đó đang sử dụng sản phẩm gì, tương đồng với sản phẩm của mình không? Mức giá mà họ có thể chi trả cho sản phẩm đó, mức độ tiêu thụ sản phẩm trong một tháng như thế nào?

Các thông tin về nhân khẩu học như khách hàng mục tiêu của mình là ai? Mức thu nhập của họ. Thông tin về đối thủ cạnh tranh, ưu điểm của sản phẩm của mình để vượt qua đối thủ cạnh tranh,...

Tất cả những thông tin này cần được tìm hiểu trước khi quyết định khu vực thuê mặt bằng kinh doanh phù hợp. 

Khảo sát vị trí, khu vực thuê

Xác định được mục đích kinh doanh gì, người thuê cần đi thực tế để khảo sát cụ thể vị trí thuê, chứ không nên xem thông tin qua mạng hay tin những lời môi giới giới thiệu. 

Một số điểm bạn cần lưu ý như lượng người qua lại, giao thông như thế nào có thường xuyên bị kẹt, tình trạng ngập nước khi mưa lớn,... Vị trí, khu vực thuê sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công trong kinh doanh nên cần xem xét kỹ.

Cân nhắc giá thuê mặt bằng thuê kinh doanh

Tính toán ngân sách của bạn để tìm thuê mặt bằng kinh doanh phù hợp, phương án tốt nhất là để chi phí thuê địa điểm chiếm không quá 15% tổng doanh thu.

Tiềm lực tài chính chưa vững, bạn không nên cố chấp thuê mặt bằng ở những vị trí tốt, nơi có nhiều thương hiệu phải cạnh tranh. Vì áp lực kinh doanh theo đó sẽ tăng lên trong khi hàng tháng, bạn vẫn phải trả một khoản phí thuê mặt bằng đắt đỏ.

Bạn cần phải đi khảo sát giá, hiểu rõ được mức giá mặt bằng chung trong khu vực để có thể thỏa thuận được mức giá tốt nhất với bên cho thuê, tránh thuê phải giá cao, gây tốn chi phí.

Thương lượng với chủ thuê

Không phải khi nào bạn đồng ý ngay với mức giá mà chủ nhà cho thuê cũng là tốt, đôi khi bạn cần dành thời gian để thương lượng. Có thể thương lượng về chi phí thuê, thời gian thuê, thời gian tăng giá, tỷ lệ tăng giá thuê,... Việc thương lượng phải được tiến hành trên cơ sở thiện chí của hai bên, đôi bên cùng có lợi,... 

Cẩn trọng trước khi ký hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh

- Hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh phải đảm bảo đầy đủ các thông tin như thông tin đầy đủ của cả bên thuê và bên cho thuê, địa điểm, diện tích, tiền đặt cọc, thời gian thuê, giá thuê, chu kỳ, kỳ hạn đóng tiền thuê tăng giá hàng năm hay cách tăng giá sau khi gia hạn, ngày bàn giao mặt bằng cho thuê, hiện trạng nhà đất mặt bằng lúc bàn giao, thời điểm tính tiền thuê.

- Lưu ý đến quyền cải tạo và giới hạn sửa chữa, mặt bằng, cửa hàng kinh doanh và miễn trừ trách nhiệm làm thay đổi mặt bằng sau khi hoàn trả. Tránh trường hợp không xem xét kỹ các điều khoản, về sau dễ xảy ra tranh chấp, kiện cáo.

- Nên công chứng hợp đồng tại văn phòng công chứng, công chứng viên sẽ giúp bạn xác nhận người chủ thực sự của bất động sản.

Xem thêm:

Phương Vũ (TH)

  • Facebook
  • Chia sẻ
Nhadat.cafeland.vn - Kênh mua bán nhà đất - bất động sản chính chủ hàng đầu Việt Nam