Mua bán căn hộ chung cư là giao dịch có giá trị lớn nên cần phải cẩn trọng, tránh xảy ra tranh chấp hay gặp phải lừa đảo. Để tránh những bỡ ngỡ cho người mua nhà lần đầu, người mua có thể tham khảo những kinh nghiệm mua căn hộ chung cư dưới đây.
Người mua cần xác định được mục đích mua căn hộ chung cư là gì, để ở, để đầu tư kiếm lời hay để kinh doanh? Diện tích như thế nào? Mấy phòng ngủ để lựa chọn căn hộ phù hợp. Người mua có thể nhờ bạn bè, người thân giới thiệu hoặc tìm thông tin trên các website rao bán nhà đất,…
- Vị trí: Cần đảm bảo thuận lợi cho việc đi làm của người lớn, đi học của trẻ nhỏ, hạ tầng giao thông thuận tiện, tránh tình trạng kẹt xe giờ cao điểm, môi trường sống xung quanh… Người mua nên đi thực tế khảo sát với nhiều khung giờ, thời tiết khác, hỏi người dân xung quanh,…
- Uy tín chủ đầu tư: Chọn chủ đầu tư uy tín, tiềm lực tài chính mạnh. Có thể xem báo cáo tài chính, tìm hiểu về các dự án đã hoàn thành và cả những cách chủ đầu tư giải quyết các vấn đề tranh chấp,…
- Tiện ích: Đảm bảo các vấn đề sinh hoạt cơ bản, vui chơi giải trí, an ninh cho cả gia đình.
Đọc thêm: Căn hộ chung cư là gì
Không nên mua căn hộ quá khả năng chi trả, tạo gánh nặng trả nợ, vay nợ chồng chất, mua được nhà không vui mà nỗi lo lại nặng nề hơn. Để mua căn hộ, người mua cần khoảng 50 -70% giá trị căn nhà và khả năng tài chính ổn định để đảm bảo trả nợ hàng tháng mà vẫn đủ chi trả cho sinh hoạt phí.
Đây cũng là vấn đề mà người mua chung cư lần đầu cần cân nhắc. Nếu muốn vào ở ngay thì nên chọn những căn hộ đã hoàn thiện để xem xét được chất lượng, tiện ích hiện hữu,.. những thường sẽ có giá bán cao hơn mức giá chủ đầu tư đưa ra ban đầu.
Với những dự án đang xây dựng sẽ có giá mềm hơn nhưng tiềm ẩn về rủi ro pháp lý, tiến độ bàn giao nên cần lựa chọn những chủ đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính.
Chủ đầu tư vần có đầy đủ các giấy tờ sau để chứng nhận tính pháp lý của dự án:
- Giấy phép kinh doanh của chủ đầu tư: Văn bản này nhằm đảm bảo chủ đầu tư có đủ cơ sở pháp lý để xây dựng và kinh doanh dự án bất động sản.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Quyết định cấp đất, cho thuê đất cho chủ dự án: Đây là những giấy tờ chứng minh dự án đã giải phóng xong mặt bằng và đất xây dự án là “đất sạch”, không có tranh chấp pháp lý về sau.
- Giấy phép xây dựng: Trừ những dự án thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng (theo Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014), còn lại các dự án căn hộ ngang nhiên xây dựng khi chưa có giấy phép sẽ bị xử phạt, thậm chí đình chỉ thi công, làm trễ tiến độ dự án và ảnh hưởng nghiêm trọng đến người mua.
- Văn bản chấp thuận đầu tư: Đảm bảo sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc đầu tư xây dựng dự án căn hộ của chủ đầu tư đó.
- Biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng dự án: Đáp ứng điều kiện mở bán là phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng dự án.
Chủ đầu tư phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính khi xây dựng và mở bán căn hộ như Thuế giá trị gia tăng, lệ phí môn bài, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp… Khi chủ hộ có nhu cầu làm thủ tục xin sổ hồng, cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra tình trạng thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với thửa đất đó, nói cách khác là kiểm tra xem chủ đầu tư đã nộp đầy đủ các loại thuế, phí nói trên hay chưa.
Trường hợp chủ đầu tư còn nợ tiền thuế đất, cơ quan nhà nước có thể từ chối cấp sổ hồng. Vì vậy, người mua cần kiểm tra kỹ thông tin này trước khi xuống tiền mua nhà.
Đọc thêm: Kinh nghiệm thuê chung cư cho người lần đầu
Nếu mua dự án đang xây dựng, thanh toán theo từng giai đoạn cần quan tâm đến tiến độ thi công, thời hạn nộp tiền và lãi suất ngân hàng. Khi cập nhật được tiến độ thi công thì bạn cũng kiểm soát được việc đóng tiền theo đợt của dự án. Nếu không chú ý thời điểm đóng tiền, bạn có thể gặp rắc rối trong việc xoay sở tiền khi tới ngày hẹn.
Lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng bất động sản nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà.
Người mua nên chú ý và nắm rõ các loại phí chung cư phải chi trả hằng tháng như: phí quản lý chung cư, phí giữ xe, phí thu nhặt rác thải, phí sinh hoạt với các tài sản chung và tiện ích công cộng, tiền điện, nước, cáp, Internet…
- Trong hợp đồng ghi rõ ràng, thông tin đầy đủ của các bên liên quan. Người đại diện ký hợp đồng mua bán là người đại diện pháp luật hay ủy quyền của chủ đầu tư.
- Thông tin về căn hộ: Diện tích là bao nhiêu? Diện tích thông thủy hay tim tường? Các thiết bị, tiện nghi bàn giao như đèn, trần, thiết bị vệ sinh,… chủng loại, kích thước, hãng sản xuất,… Đây là thông tin để đối chiếu khi nhận bàn giao căn hộ.
- Xem kỹ và nắm rõ phần sở hữu chung, sở hữu riêng.
- Giá trị hợp đồng, các loại thuế phí, chi phí quản lý, dịch vụ cần được ghi rõ ràng, phương thức thanh toán.
- Thời hạn đầu tư, thời hạn giao, thuê đất xây dựng dự án: Người mua lưu ý xem kỹ thời hạn sử dụng.
- Thời điểm bàn giao sổ: Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày ký kết bàn giao hoặc ngày hết hạn thuê mua thì người mua phải tới các cơ quan ban ngành có chức năng để xin cấp giấy sở hữu đất và nhà ở. Ngoài ra, người mua cũng cần lưu ý các khoản phí phát sinh liên quan đến việc cấp sổ hồng để không bị thu thêm, bởi theo quy định, đó là trách nhiệm của chủ đầu tư.
Nếu chưa có kinh nghiệm, người mua nhà nên nhờ những người có kinh nghiệm kiểm tra cùng khi nhận bàn giao căn hộ. Một số điểm cần lưu ý khi nhận bàn giao như hệ thống nước sạch, thoát nước, hệ thống điện, vách tường trần nhà xem có bị thấm,…
Kiểm tra nội thất: Cánh cửa, ray trượt ngăn kéo, ổ khóa, các thiết bị điện, sàn nhà,… cần kiểm tra kỹ. Nếu phát hiện lỗi báo ngay chủ đầu tư xử lý trước khi nhận bàn giao.
Trên đây là một số kinh nghiệm mua căn hộ chung cư bạn đọc có thể tham khảo để tránh tranh chấp, lừa đảo hay những rắc rối, phát sinh khi mua căn hộ.
Xem thêm:
Phương Vũ (TH)