Đất nền được coi là kênh đầu tư vua với tiềm năng sinh lời cao nhưng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dưới đây là một số kinh nghiệm mua đất nền bạn đọc có thể tham khảo để tránh những sai lầm cơ bản khi giao dịch, nhất là với những người lần đầu mua đất nền.
Người mua phải xác định rõ được mua đất nền để xây nhà ở hay mua để đầu tư thu lợi nhuận, đầu tư lướt sóng hay đầu tư dài hạn?
Theo các chuyên gia, lợi nhuận từ đầu tư ngắn hạn thu về nhanh hơn, có thể “lãi lớn” nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những người “vốn mỏng” cũng có thể đầu tư lướt sóng nhưng đầu tư kiểu này cần yếu tố thời điểm, người mua cần nhạy bén trước những biến đổi và am hiểu thị trường,...
Khi xác định được nhu cầu đầu tư, người mua sẽ chọn được đất nền phù hợp, việc tìm kiếm cũng dễ dàng hơn.
Tìm hiểu thêm: Đất nền là gì? Có bao nhiêu loại hình đất nền?
Cần xem xét xem mảnh đất đó thuộc diện như thế nào? Giao thông có thuận tiện không? Khu dân cư sinh sống có ổn định không? Đặc biệt, cần lưu ý đến các yếu tố tiện ích xung quanh khu đất như trường học, chợ, bệnh viện,… để tiện khi sinh sống.
Các vấn đề về pháp lý liên quan mảnh đất như có nằm trong diện bị quy hoạch, giải tỏa của khu vực hay không? Nếu là đất dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hay chưa? Người mua có thể kiểm tra thông tin tại phòng Quản lý đô thị hoặc bộ phận kiểm tra quy hoạch tại các UBND quận/huyện mảnh đất đó tọa lạc.
Người mua cũng nên tìm hiểu những thông tin quy hoạch, hạ tầng xung quanh khu đất để hiểu hơn về thị trường và tiềm năng tăng giá trong tương lai,...
Bên cạnh đó, cần xem xét môi trường sống xung quanh bởi điều đó sẽ quyết định đến chất lượng sống của bạn và giá trị mảnh đất. Nếu mua để ở người mua nên mua đất gần khu dân cư an ninh, có đường lớn, điện nước đầy đủ, thuận tiện sinh hoạt, tránh mua đất gần nghĩa trang, bãi rác hay trong các khu vực an ninh phức tạp,...
Để tránh những rủi ro, tranh chấp và dễ dàng hơn trong việc đền bù nếu có thu hồi, người mua nên mua đất đã có sổ đỏ, hiểu rõ về vị trí miếng đất.
Với đất nền dự án đã nằm trong quy hoạch, cần kiểm tra giấy tờ liên quan như quy hoạch chi tiết 1/500, hỏi rõ thời hạn bao lâu thì có sổ,...
Nếu mua đất nền dự án, nên chọn dự án của những chủ đầu tư uy tín trên thị trường, chú ý các thông tin về năng lực tài chính trên báo cáo tài chính, các dự án khác của chủ đầu tư và cả cách chủ đầu tư giải quyết những vấn đề tranh chấp, khảo sát người dân đang sinh sống tại các dự án của chủ đầu tư đó về mức độ hài lòng.
Với đất nền thổ cư, không nên mua những mảnh đất đang có tranh chấp, người mua có thể hỏi thông tin từ những người hàng xóm hoặc địa chính.
Người mua nên chọn mảnh đất phù hợp với khả năng tài chính, không nên vay ngân hàng vượt 50% giá trị lô đất, trả nợ hàng tháng cũng không được quá 50% tổng thu nhập.
Nếu muốn hợp tác đầu tư với đồng nghiệp, bạn bè, người thân cần làm bản cam kết rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ các bên tránh những rắc rối, tranh chấp về sau.
Sau khi xem xét, tìm hiểu kỹ thông tin và thỏa thuận giá cả, người mua tiến hành đặt cọc. Người mua cần lưu ý đối chiếu thông tin CMND/CCCD, hộ khẩu,... xem người bán có đúng là chủ sở hữu hợp pháp của mảnh đất không. Khi soạn thảo hợp đồng đặt cọc, nên nhờ chuyên gia người có hiểu biết hoặc luật sư có kinh nghiệm tư vấn.
Việc thanh toán tiền cọc cần được thể hiện cụ thể trong hợp đồng đặt cọc hoặc bằng biên nhận viết tay của bên bán/bên chuyển nhượng và cần phải có người thứ 3 làm chứng. Khi lập hợp đồng đặt cọc phải quy định rõ trách nhiệm của bên bán, nếu bên bán không thực hiện theo đúng cam kết trong hợp đồng thì phải hoàn lại tiền cọc và tiền bồi thường hợp đồng.
Tiền cọc mua đất thường từ 5-10% tổng giá trị bất động sản là hợp lý hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên, hạn chế việc phải cọc nhiều hơn 10%.
Đây là thủ tục bắt buộc phải có, đây được xem là sự giao kết giữa bên bán và bên mua nhằm đảm bảo việc thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa hai bên.
Các điều khoản trong hợp đồng cần thỏa thuận rõ ràng. Để đảm bảo an toàn, tránh bị lừa đảo, người mua nên nhờ người có kinh nghiệm, luật sư tư vấn về các điều khoản trong hợp đồng.
Chú ý, trong hợp đồng mua bán đất phải có chữ ký xác nhận của cả chồng và vợ (bên bán), bố mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình (xem trong sổ hộ khẩu gia đình) nhằm tránh tranh chấp về tài sản sau đó. Đặc biệt, hợp đồng này phải có xác nhận của cơ quan công chứng.
- Nên thực hiện thanh toán tại ngân hàng: Mua bán đất thường có giá trị cao, nên các giao dịch bạn nên ra ngân hàng thực hiện thanh toán. Bởi lẽ, với một số tiền lớn, ngân hàng sẽ có các chứng từ giao dịch. Các chứng từ này được xem là bằng chứng, chứng cứ khẳng định bạn đã giao dịch và thanh toán đủ số tiền theo hợp đồng đã định sẵn.
- Không nên thanh toán 100% khi chưa nhận sổ đỏ: Kinh nghiệm mua đất nền bạn nên đặc biệt lưu ý là không nên thanh toán hết 100% khi chưa cầm sổ đỏ. Khi chưa có gì chắc chắn trong tay, bạn chỉ nên thanh toán một phần hoặc một nửa giá trị của mảnh đất. Khi đã cầm sổ đỏ, cần xác định đó là sổ đỏ thực, bạn mới thanh toán hết số tiền còn lại, đảm bảo quyền lợi cho bạn, tránh bị lừa đảo.
Là người mới lần đầu đi mua đất, chưa có kinh nghiệm, người mua nên tham khảo ý kiến chuyên gia, người có kinh nghiệm để tránh bị lừa đảo.
Trên đây là một số kinh nghiệm mua đất nền cho người mới có thể tham khảo. Ngoài ra, người mua cần trang bị các kiến thức về thị trường, quy định pháp luật liên quan,..
Xem thêm:
Phương Vũ (TH)