Những câu hỏi thường gặp khi mua bán bất động sản

Bất động sản là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao và ổn định, được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Hiện nay, có nhiều người muốn tham gia vào đầu tư mua bán nhà đất nhưng chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Do đó, có rất nhiều thắc mắc, câu hỏi được đặt ra và cần lời giải đáp.

Hiểu được điều này, Nhà đất Cafeland xin chia sẻ đến bạn những câu hỏi thường gặp khi mua bán nhà đất.

Thủ tục công chứng mua bán nhà đất cần những giấy tờ gì?

Đây là câu hỏi thường gặp với những người chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực mua bán bất động sản. Dưới đây là những giấy tờ cần phải có khi thực hiện thủ tục công chứng mua bán nhà đất tại văn phòng công chứng.

Đối với bên bán/ bên chuyển nhượng:

  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, tài sản gắn liền với đất

  • Bản gốc Chứng minh Nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu

  • Bản gốc Sổ hộ khẩu

  • Hợp đồng ủy quyền mua bán (nếu có)

Nếu nhà đất thuộc sở hữu của cả vợ và chồng thì cần phải có giấy tờ cá nhân của cả hai người và giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Trong trường hợp vợ chồng đã ly hôn thì phải có thêm giấy chứng nhận ly hôn và giấy tờ chứng minh phân chia tài sản.

Đối với bên mua/ bên nhận chuyển nhượng:

  • Bản gốc Chứng minh Nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu

  • Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán nhà đất

  • Hợp đồng ủy quyền mua bán (nếu có)

Nếu vợ chồng muốn đồng sở hữu nhà đất thì cần phải có giấy tờ cá nhân của cả hai người và giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. 

Các bước để thực hiện hợp đồng công chứng nhà đất?

Để thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng mua bán nhà đất, bên bán và bên mua cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Nộp đầy đủ hồ sơ đã chuẩn bị cho trụ sở hành nghề công chứng hợp pháp. Để thuận tiện hơn, bạn nên nộp hồ sơ cho văn phòng Công chứng tại địa phương có đất.

Bước 2: Văn phòng Công chứng tiếp nhận hồ sơ, Công chứng viên tiến hành kiểm tra các giấy tờ trong hồ sơ của bên bán và bên mua.

Nếu hai bên còn thiếu giấy tờ, Công chứng viên sẽ yêu cầu bổ sung cho đủ, sau đó mới tiến hành thủ tục công chứng hợp đồng mua bán nhà đất.

Sau khi soạn thảo hợp đồng xong, hai bên phải kiểm tra lại mọi thông tin và điều khoản có trong hợp đồng một cách kỹ lưỡng. Nếu thông tin và điều khoản bị sai sót thì yêu cầu Công chứng viên chỉnh sửa hoặc bổ sung. 

Sau khi hợp đồng mua bán nhà đất đã hoàn thiện thì hai bên tiến hành ký tên và điểm chỉ hợp đồng sau đó đưa lại cho Công chứng viên. Tiếp đến Công chứng viên sẽ ghi lời chứng, ký tên và đóng dấu.

Bước 3: Sau khi hoàn tất mọi thủ tục công chứng hợp đồng, hai bên sẽ tiến hành đóng lệ phí công chứng và nhận lại bản hợp đồng gốc để tiến hành sang tên nhà đất tại cơ quan nhà đất. Để thuận tiện, các bên có thể hỏi trực tiếp Công chứng viên về nơi nộp hồ sơ sang tên nhà đất.

Ai là người chịu phí công chứng hợp đồng mua bán nhà đất?

Để tránh xảy ra mâu thuẫn giữa các bên, tại Khoản 1 Điều 66 Luật Công chứng 2014 quy định người yêu cầu công chứng là người nộp phí công chứng. Tuy nhiên, hai bên có thể thỏa thuận xem ai là người nộp phí công chứng hợp đồng mua bán nhà đất.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, phí công chứng đối với hợp đồng mua bán nhà đất được tính như sau:

  • Nếu tài sản chuyển nhượng là đất thì phí công chứng được tính trên giá trị quyền sử dụng đất.

  • Nếu tài sản bao gồm đất và các tài sản gắn liền với đất thì phí công chứng được tính trên tổng giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất.

Người bán nhà đất có phải nộp thuế thu nhập cá nhân?

Căn cứ vào quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung năm 2012: Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cũng là một trong các loại thu nhập chịu thuế.

Theo đó, có 2 cách để xác định thuế thu nhập cá nhân mà người chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải nộp. Cụ thể như sau:

Cách 1: Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 25% giá trị lợi nhuận (giá bán - giá mua).

Trong đó:

  • Giá bán là giá ghi trên hợp đồng mua bán nhà đất.

  • Giá mua được xác định căn cứ vào giá ghi trên hợp đồng mua bán nhà đất.

Cách 2: Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 2% giá chuyển nhượng (giá ghi trong hợp đồng).

Mua bán đất bằng giấy viết tay có được cấp Sổ đỏ không?

Theo quy định tại khoản 54 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, một số trường hợp mua đất bằng giấy tay sau vẫn được đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Thứ nhất là hộ gia đình/ cá nhân đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ hộ gia đình/ cá nhân khác trước ngày 01/01/2008.

Thứ hai là hộ gia đình/ cá nhân đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ hộ gia đình/ cá nhân khác từ ngày 01/01/2008 đến trước ngày 01/07/2014, hiện không có Sổ đỏ nhưng đã có một trong các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Điều 100 Luật đất đai 2013.

Xem thêm: Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với đất nền dự án

Hy vọng, những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn nắm bắt được các quy định về mua bán nhà đất. Đừng quên theo dõi Nhà đất Cafeland thường xuyên để có thêm nhiều kiến thức mới, hữu ích về lĩnh vực bất động sản nhé!

Xem thêm:

Hoàn Trần

  • Facebook
  • Chia sẻ
Nhadat.cafeland.vn - Kênh mua bán nhà đất - bất động sản chính chủ hàng đầu Việt Nam