Vi bằng là thuật ngữ được nhiều người dân biết đến, nhất là vi bằng liên quan đến nhà đất. Vậy hiểu như thế nào chi đúng về vi bằng? Thủ tục lập vi bằng ra sao?
Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có thể kèm theo các hình ảnh, âm thanh, video trong trường hợp cần thiết. Trong văn bản đó, thừa phát lại sẽ tiến hành mô tả, ghi nhận lại hành vi đã xảy ra trên thực tế, tài liệu này sẽ có giá trị làm chứng cứ trước Tòa nếu có phát sinh bất cứ tranh chấp nào liên quan đến sự kiện, hành vi đã được lập vi bằng đó.
Trong lĩnh vực nhà đất, vi bằng chỉ ghi nhận các sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến như việc giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất,... làm cơ sở để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng, hoàn thiện hợp đồng theo quy định của pháp luật, hoặc là cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.
Thực tế hiện nay, có không ít người mua nhà nhầm tưởng vi bằng thừa phát lại cấp hoàn toàn có thể thay công chứng. Một số trường hợp vẫn lập vi bằng chuyển nhượng ủy quyền nhà, đất trong khi đã thế chấp ngân hàng hoặc chuyển nhượng ủy quyền cho người khác (bằng giấy tay) dẫn đến phát sinh tranh chấp.
Việc mua và bán, chuyển nhượng ủy quyền nhà đất bằng giấy tay, trải qua hình thức lập vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là đối với bên mua.
>> Xem thêm: Nhiều rủi ro khi mua nhà đất qua vi bằng
Mặc dù không được lập vi bằng để chuyển nhượng nhà đất nhưng Thừa phát lại được lập vi bằng để ghi nhận sự kiện liên quan đến chuyển nhượng nhà đất như sau:
- Xác nhận tình trạng nhà, đất trước khi xây dựng nhà, cho thuê hay mua bán nhà hoặc trong trường hợp bị lấn chiếm đất; tình trạng công trình khi nghiệm thu;...
- Giao nhận tiền khi chuyển nhượng nhà đất hợp pháp, khi hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định.
- Ghi nhận việc đặt cọc,…
- Pháp luật đất đai quy định hợp đồng chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực và hồ sơ sang tên phải có hợp đồng chuyển nhượng được công chứng hoặc chứng thực. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực mà chỉ ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Bước 1: Người có nhu cầu lập vi bằng đến Văn phòng thừa phát lại để yêu cầu lập vi bằng
Bước 2: Thỏa thuận lập vi bằng
Bước 3: Tiến hành lập vi bằng
Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.
Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp.
Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.
Vi bằng phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.
Vi bằng phải được gửi cho người yêu cầu và được lưu trữ tại Văn phòng thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.
Đọc thêm:
Hoàng An (TH)