Khu công nghiệp là gì?

Các khu công nghiệp đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của cả nước qua việc thu hút nguồn vốn lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước. Vậy khu công nghiệp là gì? Những quy định liên quan đến khu công nghiệp ra sao?

Khu công nghiệp là gì? Vai trò, đặc đểm và các loại hình

Khu công nghiệp là gì?

Khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, được -thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định của pháp luật.

Khu công nghiệp do Chính phủ thành lập hoặc cho phép thành lập và được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh. 

Các doanh nghiệp khu công nghiệp được đảm bảo cơ sở hạ tầng hoàn thiện, được cung ứng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất và các tiện ích công cộng khác với chất lượng cao và được hưởng nhiều ưu đãi trong chính sách thuế, chính sách xuất nhập khẩu, sử dụng đất đai... 

Vai trò của khu công nghiệp

- Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế;

- Đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thu và giảm chi ngoại tệ, góp phần tăng nguồn thu ngân sách;

- Tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phương pháp quản lý hiện đại và kích thích sự phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp trong nước;

- Tạo công ăn việc làm, phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật;

- Thúc đẩy việc hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp tại các địa phương và là hạt nhân hình thành đô thị mới.

Đặc điểm của khu công nghiệp

- Thường chỉ có nhà máy, xí nghiệp, không tập trung dân cư sinh sống 

- Tại đây chuyên sản xuất, chế biến các mặt hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp như logistic, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng,...

- Khi đầu tư và hoạt động trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất,... 

-  Tại khu công nghiệp có ban quản lý riêng có tư cách pháp nhân, tài khoản, con dấu in hình quốc huy, được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí quản lý hành chính Nhà nước và hoạt động sự nghiệp.

Các loại hình khu công nghiệp

- Khu chế xuất: là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục theo quy định của pháp luật. 

Khu chế xuất được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Khu công nghiệp hỗ trợ: chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thực hiện dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tỷ lệ diện tích đất cho các dự án đầu tư vào ngành nghề công nghiệp hỗ trợ thuê, thuê lại tối thiểu đạt 60% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của khu công nghiệp;

Khu công nghiệp sinh thái: có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp.

Một số chính sách ưu đãi đối với khu công nghiệp

Theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp, ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp: 

+ Khu công nghiệp là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo pháp luật về đầu tư. 

Khu công nghiệp được thành lập tại địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư.

+ Đối tượng, nguyên tắc và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư của dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư.

+ Chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp là chi phí hợp lý được khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp.

+ Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ công nhân làm việc tại khu công nghiệp được hưởng ưu đãi theo quy định pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.

+ Nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào khu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề liên quan khác trong triển khai thực hiện dự án.

- Phương thức huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp

+ Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương để đầu tư kết cấu hạ tầng theo chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu công nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo từng giai đoạn.

+ UBND cấp tỉnh cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu công nghiệp; có chính sách khuyến khích nhà đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

>> Xem thêm: Nhà đất TpHCM

Điều kiện thành lập khu công nghiệp mới

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 82/2018/NĐ-CP, các điều kiện để mở khu công nghiệp mới gồm:

- Thứ nhất, đối với trường hợp bổ sung quy hoạch khu công nghiệp mới, tổng diện tích đất công nghiệp của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuê đất, thuê lại đất đạt tối thiểu 60%.

- Thứ hai, đối với trường hợp bổ sung quy hoạch khu công nghiệp mở rộng trên cơ sở khu công nghiệp đã được hình thành trước đó, phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Khu công nghiệp đã được hình thành trước đó phải có diện tích đất công nghiệp đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuê đất, thuê lại đất đạt tối thiểu 60% tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của khu công nghiệp đó và đã xây dựng, đưa vào sử dụng công trình xử lý nước thải tập trung theo quy định tại pháp luật về môi trường;

+ Khu công nghiệp mở rộng có khả năng kết nối hạ tầng với khu công nghiệp đã được hình thành trước đó.

- Thứ ba, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

- Thứ tư, có các điều kiện thuận lợi hoặc có khả năng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, triển khai đồng bộ và kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển khu công nghiệp với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao phục vụ công nhân làm việc trong khu công nghiệp.

- Thứ năm, có đủ điều kiện để phát triển khu công nghiệp gồm:

+ Có quỹ đất dự trữ để phát triển và có điều kiện liên kết thành cụm các khu công nghiệp;

+ Có khả năng thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài;

+ Có khả năng cung cấp và đáp ứng nhu cầu về lao động.

- Thứ sáu, đảm bảo phù hợp với các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường tài nguyên thiên nhiên và di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

-Thứ bảy, các trường hợp bổ sung quy hoạch phát triển khu công nghiệp sau đây không áp dụng các điều kiện về tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp:

+ Điều chỉnh, thay đổi vị trí quy hoạch khu công nghiệp đã nằm trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp nhưng không làm tăng diện tích khu công nghiệp đó;

+ Điều chỉnh quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn nhưng không làm tăng tổng diện tích đất quy hoạch khu công nghiệp của địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đọc thêm: 

Phương Vũ (TH)

  • Facebook
  • Chia sẻ
Nhadat.cafeland.vn - Kênh mua bán nhà đất - bất động sản chính chủ hàng đầu Việt Nam