Hiểu như thế nào về nhà lưu trú công nhân?

Tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đề xuất quy định phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp nhận được nhiều quan tâm, ý kiến khác nhau.

Nhà lưu trú công nhân là gì?

Theo Điều 3 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: “Nhà lưu trú công nhân là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp để bố trí cho cá nhân là công nhân thuê trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó theo quy định của Luật này.”

Như vậy, nhà lưu trú công nhân theo dự thảo Luật đồng nhất với loại hình “cơ sở lưu trú” theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP, cơ sở lưu trú được xây dựng tại phần diện tích đất dịch vụ của khu công nghiệp; bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường; bảo đảm an ninh, trật tự; không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nghị định 35/2022/NĐ-CP cũng quy định, diện tích đất dịch vụ là phần diện tích đất trong khu công nghiệp dành cho nhà đầu tư thuê đất, thuê lại đất để xây dựng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng, thực hiện dự án đầu tư; được xác định trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, ngoài việc sử dụng để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, người lao động, diện tích này còn dành để xây dựng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động.

Điều 92 Dự thảo có quy định về yêu cầu đối với dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân: “c) Có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, đảm bảo đủ các khu chức năng và không gian phục vụ nhu cầu lưu trú bao gồm: y tế, sinh hoạt văn hóa, sân chơi, thể dục - thể thao, dịch vụ, thương mại và tiện ích công cộng.” 

Điều kiện được thuê nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp

Theo khoản 2 Điều 15 Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp đề xuất như sau:

Đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp

1. Đối tượng được thuê nhà lưu trú công nhân:

a) Đối tượng được hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân: Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp;

b) Doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà lưu trú công nhân để cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại;

c) Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân.

2. Điều kiện được thuê nhà lưu trú công nhân:

a) Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết này phải có hợp đồng lao động và xác nhận của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp;

b) Doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân phải có hợp đồng thuê mặt bằng khu công nghiệp và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp đó và phải có hợp đồng thuê, sử dụng lao động với các đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

c) Việc xét duyệt đối tượng được thuê nhà lưu trú do chủ đầu tư thực hiện; trường hợp doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân để cho công nhân thuê lại thì do doanh nghiệp đó thực hiện. Ban quản lý khu công nghiệp có trách nhiệm kiểm tra theo thẩm quyền việc xét duyệt đối tượng được thuê nhà lưu trú công nhân.

Các hình thức phát triển nhà lưu trú công nhân

Theo Điều 10 Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp đề xuất các hình thức phát triển nhà lưu trú công nhân bao gồm:

- Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

- Doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp đầu tư xây dựng hoặc thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để bố trí cho công nhân của mình thuê lại.

- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu ở của công nhân.

- UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp trên địa bàn.

- Căn cứ vào nhu cầu xây dựng nhà lưu trú công nhân và điều kiện cụ thể của địa phương, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí để xây dựng hạ tầng hoặc tổ chức xây dựng nhà lưu trú công nhân trên địa bàn.

Theo đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn; trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân với quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.

Trong đó, Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô 14.202 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô 161.227 căn hộ.

Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp cũng hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án, với quy mô khoảng 5.314 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô 127.272 căn hộ.

Xem thêm:

Theo thanhnienviet

Phương Vũ (TH)

  • Facebook
  • Chia sẻ
Nhadat.cafeland.vn - Kênh mua bán nhà đất - bất động sản chính chủ hàng đầu Việt Nam