Đất hiếm là gì và những thông tin cần biết về đất hiếm

Việt Nam được biết đến là nước có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới nhưng các mỏ đất hiếm chưa đi vào khai thác công nghiệp có hiệu quả. Vậy đất hiếm là gì và có vai trò gì trong kinh tế, đời sống?

Bài viết cùng chủ đề:

Đất hiếm là gì? 

Đất hiếm hay còn được gọi là kim loại đất hiếm hoặc oxit đất hiếm, hoặc lanthanide có tên chính thức của đất hiếm là nguyên tố đất hiếm (REE - Rare Earth Element), để chỉ 17 nguyên tố hóa học có mặt trên bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

Chúng bao gồm các nguyên tố Cerium (Ce); Dysprosium (Dy); Erbium (Er); Europium (Eu); Gadolinium (Gd); Holmium (Ho); Lanthanum (La); Lutetium (Lu); Neodymium (Nd); Praseodymium (Pr); Promethium (Pm); Samarium (Sm); Scandium (Sc); Terbium (Tb); Thulium (Tm); Ytterbium (Yb) và cuối cùng là Yttrium (Y).

Đất hiếm có ở đâu?

Đất hiếm tồn tại khắp các bề mặt vỏ của Trái Đất, nhưng không tập trung, chúng rải rác với trữ lượng thấp gây khó khăn có phần đắt đỏ trong quá trình khai thác. Chúng được tìm thấy trong các mỏ quặng, cát đen và các lớp trầm tích.

Với công nghệ ngày càng tiên tiến và hiện đại, các nhà khoa học đã khai thác và tách được các nguyên tố này một cách sạch sẽ đến 99% và chúng rất hữu dụng ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Chúng được sắp xếp vào nhóm hợp kim và các hợp chất khác.

Vai trò và công dụng của đất hiếm

Nguyên tố đất hiếm là một nhóm kim loại có thành phần quan trọng cho nền khoa học kỹ thuật hiện đại. Các kho dự trữ để khai thác đất hiếm ngày càng quan trọng và có giá trị.

- Trong công nghiệp, đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, có vai trò quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao, như: Điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang. Đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đến đất hiếm.

- Trong quốc phòng, nguyên tố đất hiếm đóng một vai trò thiết yếu. Quân đội sử dụng kính nhìn đêm, vũ khí dẫn đường chính xác, thiết bị liên lạc, thiết bị GPS, pin và các thiết bị điện tử quốc phòng khác. Và tất cả chúng đều cần sự có mặt của vật liệu đất hiếm. Kim loại đất hiếm là thành phần chính để tạo ra các hợp kim rất cứng được sử dụng trong xe bọc thép. Chất thay thế có thể được sử dụng cho các vật liệu đất hiếm trong một số ứng dụng quốc phòng, tuy nhiên, những sản phẩm thay thế đó thường không hiệu quả và làm giảm ưu thế quân sự.

- Trong nông nghiệp, đất hiếm thường được dùng để giúp tăng năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh cho cây trồng. Thông qua việc đưa chúng vào các chế phẩm phân bón vi lượng. Ngoài ra, gần đây người ta còn tiến hành một số thử nghiệm đưa đất hiếm vào thức ăn vật nuôi,

- Trong ngành y tế, đất hiếm cũng được sử dụng khá phổ biến. Điển hình như dùng để sản xuất các thiết bị phẫu thuật hay các loại máy y tế. Ngoài ra, đất hiếm cũng góp mặt trong quy trình bào chế các loại thuốc và dược liệu như thuốc viêm khớp, thuốc trị ung thư...

Tuy nhiên, đất hiếm chứa nhiều nguyên tố rất độc, quá trình khai thác đất hiếm mặc dù không phức tạp, nhưng ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe con người. Đồng thời làm ô nhiễm môi trường xung quanh các mỏ, các trung tâm xử lý quặng, ô nhiễm không khí và ô nhiễm đất nghiêm trọng. 

Tham khảo thêm:

- Đất rừng sản xuất là gì?

 

Trữ lượng đất hiếm tại Việt Nam 

Theo số liệu của trang chuyên ngành kỹ thuật khai thác mỏ Mining Technology và chuyên trang về đất hiếm Rare Earth Investments, trên thế giới có đến 13 quốc gia có nhiều đất hiếm. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia khai thác và xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm đến 80% tổng sản lượng toàn cầu. 

Tại Việt Nam có trữ lượng lớn xếp thứ hai thế giới với 22 triệu tấn. Các mỏ đất hiếm gốc tập chung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Mỏ lớn nhất nằm ở Bắc Nậm Xe (Lai Châu). Ngoài ra, một số quặng đất (sa khoáng) hiếm nhỏ nằm rải rác khu vực ven biển từ Quảng Ninh - Vũng Tàu. Tuy nhiên, hiện tại chưa khai thác công nghiệp có hiệu quả và chưa xuất khẩu.

17 loại đất hiếm đã được Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam phân tách. Ảnh: Gia Chính

Hiện chỉ có Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu khai thác quặng đất hiếm với quy mô nhỏ, một vài cơ sở sản xuất fero chắp vá, thời vụ. Hàng ngàn tấn quặng đất hiếm Monazite thu được khi tuyển quặng Titan ven biển chất kho chưa được chế biến, sử dụng…

Được biết, mới đây Viện Công nghệ Xạ hiếm Việt Nam và Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Việt Nam đã ký kết hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium, mở ra triển vọng phát triển ngành công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam.

Hiện Chính phủ đã có chiến lược, chính sách ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học về công nghệ đất hiếm. Chính phủ xác định đầu tư cho nghiên cứu khoa học sẽ giúp làm chủ các quá trình chế biến sâu, từ khâu khai thác mỏ, tuyển quặng, thu nhận tinh quặng, đến thủy luyện tinh quặng thu nhận tổng đất hiếm, phân chia và tinh chế để thu nhận các đơn nguyên tố đất hiếm có độ sạch cao, có giá trị gia tăng cao trên thị trường thương mại thế giới.

Theo thanhnienviet

Phương Vũ (TH)

  • Facebook
  • Chia sẻ
Nhadat.cafeland.vn - Kênh mua bán nhà đất - bất động sản chính chủ hàng đầu Việt Nam