Tầng tum không chỉ giúp tăng không gian sử dụng mà còn giúp ngôi nhà thêm thông thoáng, sang trọng. Vậy tầng tum là gì? Quy định của pháp luật về việc xây dựng tầng tum như thế nào?
Tầng tum hay còn gọi là tum,mái tum chỉ phần nhô lên phía trên nóc mái bằng thường dùng để che cầu thang khi đi lên sân thượng, tức là một phần tầng trên cùng của ngôi nhà, có diện tích thường sẽ nhỏ hơn các tầng bên dưới của ngôi nhà. Tầng tum được thiết kế và xây dựng với mục đích chống nóng, cách nhiệt và tiết kiệm chi phí thi công.
- Tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà: Việc thiết kế thêm một tum nữa làm cho ngôi nhà trông bề thế, sang trọng, mới lạ hơn.
- Tăng diện tích sử dụng mà không phát sinh quá nhiều chi phí xây dựng: gia chủ có thể bố trí phòng ngủ, phòng thờ, phòng vệ sinh, phòng chứa đồ, phòng giải trí hoặc làm sân phơi quần áo, sân trồng cây cảnh… ở đây.
- Tầng tum thường nằm ở vị trí tầng thượng của ngôi nhà, do đó bạn có thể bài trí nơi đây thành không gian thư giãn, giải trí cho các thành viên gia đình dịp cuối tuần. Góc thưởng trà, hóng gió, đọc sách yên tĩnh trên tầng tum là ý tưởng đáng để tham khảo. Tầng tum sẽ mở ra khoảng không kết nối giữa không gian bên trong và bên ngoài nhà, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
- Khoảng không gian tầng tum có nhiệm vụ cản nắng, giải quyết vấn đề về gió, ánh sáng tự nhiên mang lại sự thông thoáng cho ngôi nhà.
- Giúp tránh những con số không may mắn theo phong thủy.
Theo Thông tư số 07/2019/TT-BXD về thiết kế, diện tích và chiều cao của tầng tum sửa đổi, bổ sung của Bộ xây dựng diện tích tối đa của tầng tum là 30% trên tổng diện tích xây dựng, chiều cao không quá 3m. Theo đó, tầng tum sẽ không được tính vào số tầng nhà ở nếu chỉ xây theo kiểu lắp mái che khu vực thang bộ, thang máy, khu vực kỹ thuật nhà ở.
- Chiều cao tầng tum sẽ cao từ 2m – 3m. Đối với khu vực bị khống chế chiều cao tầng và nằm trong hẻm nhỏ và có diện tích dưới 35m2 chiều cao tum chỉ 2m. Thông thường tầng tum sẽ cao 3m chưa tính chiều cao của mái. Chiều cao tum 2m khi bị khống chế bởi diện tích nhỏ, chiều cao tầng và lộ giới.
- Vị trí của tum phụ thuộc vào vị trí cầu thang có thể nằm giữa nhà hoặc cuối nhà đối với nhà có diện tích nhỏ. Với diện tích sàn lớn có thể bố trí phòng thờ và phòng giặt.
- Tầng tum nếu sở hữu diện tích mái tum không vượt quá 30% diện tích sàn mái thì chúng có chức năng làm tum thang, kỹ thuật thì chúng không được tính vào số tầng nhà của công trình.
Tùy thuộc vào diện tích tầng tum mà bạn có thể linh hoạt bố trí chức năng cho nó. Dưới đây là những ý tưởng thiết kế tum nhà mà bạn có thể tham khảo:
- Tận dụng làm phòng thờ: Nếu diện tích phòng tum không đủ rộng thì phòng thờ chính là sự bố trí hợp lý nhất vì nó vừa đủ không gian lại vừa là nơi yên tĩnh.
- Dùng làm phòng ngủ: Phòng ngủ được tận dụng từ tầng tum thường chỉ nên dành cho người lớn bởi nó khá cao. Chỉ cần kết hợp thêm rèm hoặc là một vách ngăn là đã có thể đảm bảo được quyền riêng tư.
- Dùng làm nơi nghỉ ngơi: Nếu không gian sinh hoạt của nhà không đủ rộng lại quá ngột ngạt thì hãy lựa chọn nó làm nơi thư giãn, sẽ tuyệt vời hơn nếu kết hợp với khoảng sân đầy cây cảnh, hoa bên ngoài.
- Dùng làm nhà kho: Là nơi để lưu trữ đồ đạc hoặc là nông sản. Đây cũng là nơi tuyệt vời có thể tận dụng để hong khô quần áo vào những ngày mưa.
Tầng tum thích hợp với những mẫu nhà ống 2 tầng theo phong cách hiện đại. Đây là những kiểu nhà ở có thiết kế khá nhỏ, do đó thường sẽ kết hợp không gian phòng khách và không gian sinh hoạt chung của gia đình với nhau nhằm tạo nên tổng thể vui chơi, thư giãn chung cho các thành viên trong gia đình.
Mẫu nhà ống trở nên cao thoáng, đẹp mắt hơn nhờ sự hiện diện của tầng tum.
Trồng thêm cây xanh, hoa cỏ, bài trí bàn ghế gọn đẹp, tầng tum sẽ trở thành không gian thư giãn lý tưởng cho các thành viên gia đình.
Mẫu nhà phố có thiết kế tầng tum đẹp.
Tùy diện tích, mục đich xây dựng để bố trí, thiết kế tầng tum cho phù hợp. Tuy nhiên, khi thiết kế tầng tum bạn cần lưu ý các vấn đề sau:
- Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, thông gió tốt: Ánh sáng tự nhiên không chỉ tốt cho sức khỏe, tạo cảm giác không gian sống như thoáng rộng hơn so với thực tế mà còn giúp gia chủ tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện năng thắp sáng. Mặt khác, nếu sử dụng tầng tum làm phòng thờ thì ánh sáng tự nhiên là yếu tố không thể thiếu để tạo nên phong thủy tốt. Để đón sáng tự nhiên nhiều nhất cho tầng tum, bạn nên sử dụng cửa kính trong suốt hoặc bố trí nhiều cửa sổ mở ra ngoài sân thượng. Với hệ cửa bố trí hợp lý, không gian trên tầng tum luôn thoáng đãng, thông gió tốt và đón được nhiều vượng khí.
- Chống nóng, cách nhiệt tốt cho tầng tum: sử dụng máy điều hòa, các thiết bị làm mát khác, trồng cây xanh, bạn cần có giải pháp chống nóng, cách nhiệt tốt cho tầng tum ngay từ khâu thiết kế, thi công xây dựng.
- Chống thấm cho tầng tum: Tầng tum là tầng trên cùng của ngôi nhà nên chịu tác động trực tiếp của điều kiện thời tiết, môi trường nhiều nhất. Tầng tum bị thấm dột không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng tới kết cấu công trình, gây mất thẩm mỹ tổng thể.
Phương Vũ (TH)