Đất rừng phòng hộ là gì? Có được xây nhà trên đất rừng phòng hộ? Cùng tìm hiểu rõ hơn về đất rừng phòng hộ qua bài viết dưới đây.
Bài viết cùng chủ đề:
Theo quy định tại Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017, đất rừng phòng hộ là loại đất trồng rừng mà loại rừng đó có ý nghĩa trong việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống hiện tượng xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống việc sa mạc hóa, hạn chế các thiên tai, góp phần điều hòa khí hậu, không khí, bảo vệ môi trường, quốc phòng an ninh kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đáp ứng các dịch vụ môi trường.
Đất rừng phòng hộ thuộc nhóm đất nông nghiệp theo bảng phân loại đất của nước ta.
– Đất rừng phòng hộ đầu nguồn: diện tích rừng thường tập trung ở thượng nguồn các dòng sông thì được hiểu là đất rừng phòng hộ đầu nguồn. Loại đất này, điều tiết nguồn nước để hạn chế lũ lụt, cung cấp nước cho các dòng chảy và hồ trong mùa khô, hạn chế xói mòn, bảo vệ đất, hạn chế bồi lấp các lòng sông, hồ…
– Đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay: Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay thường tập trung ở ven biển.
– Đất rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển: Đây là loại rừng mọc tự nhiên có tác dụng trong việc ngăn sóng, bảo vệ các công trình ven biển, cố định bùn cát lắng đọng để hình thành các vùng đất mới.
– Đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái: Đây là các dải rừng đã và đang được trồng xung quanh các khu dân cư, các khu công nghiệp, các đô thị lớn.
Theo quy định tại Điều 136 Luật Đất đai năm 2013, việc giao đất rừng phòng hộ như sau:
1. Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức quản lý rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
2. Tổ chức quản lý rừng phòng hộ giao khoán đất rừng phòng hộ cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại đó để bảo vệ, phát triển rừng; UBND cấp huyện giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đó sử dụng
3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng và đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà chưa có tổ chức quản lý và khu vực quy hoạch trồng rừng phòng hộ thì được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
4. UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.
5. Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng phòng hộ theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng thì được giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng; có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.’
Theo quy định trên đối với đất rừng phòng hộ, sẽ được giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại nơi có rừng phòng hộ để quản lý sử dụng.
Như vậy, cũng không có quy định buộc người có hộ khẩu thường trú tại xã (người ngoài xã) nơi có đất mới được giao đất rừng phòng hộ. Hiện nay không có quy định hạn chế về việc chỉ giao đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa phương do đó. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện chính sách kinh tế, xã hội tại từng địa phương, có thể có những quy định cá biệt yêu cầu cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa phương.
Khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp sử dụng đất được cấp Giáy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm:
- Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 của Luật Đất đai 2013;
- Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày 01/7/2014;
- Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ…
Mặt khác, Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP cũng quy định về các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm:
Điều 19. Các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
1. Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai.
2. Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
3. Người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
4. Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng.
5. Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
6. Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Tổ chức, UBND cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.
Như vậy, trường hợp người được giao khoán, quản lý đất rừng phòng hộ không thuộc trường hợp được cấp Giấy chứng nhận. Do đó, đất rừng phòng hộ trong trường hợp được Nhà nước giao trực tiếp hoặc cho thuê có khả năng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện cấp giấy theo quy định pháp luật. Còn trường hợp đất phòng hộ được giao khoán sẽ không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận.
Theo Điều 10 Luật Đất đai 2013, nhà ở được xây dựng trên đất ở (hay còn gọi là đất thổ cư) thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, trong khi đó, đất rừng phòng hộ thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Tại khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 có quy định về chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;
e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
Theo điểm c khoản 1 Điều 57 nêu trên, trường hợp chuyển đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, pháp luật không quy định trường hợp được phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang đất ở (thuộc nhóm đất phi nông nghiệp).
Do đó, người được giao quản lý đất rừng phòng hộ không được phép xây nhà trên đất này mà chỉ được chuyển đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp và được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Điều 57 Luật Đất đai 2013 đã đưa ra các trường hợp được phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng phải có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Trong đó nêu rõ, được chuyển đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp; Mặt khác, đất thổ cư là tên gọi phổ biến của đất ở thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Như vậy, người sử dụng đất không được phép chuyển đất rừng phòng hộ sang đất thổ cư.
Trên đây là một số thông tin, quy định pháp luật liên quan đến đất rừng phòng hộ, bạn đọc có thể tham khảo!
Phương Vũ (TH)