Công trình xây dựng là gì? Cách phân loại công trình xây dựng

Công trình xây dựng là khái niệm phổ biến, không còn xa lạ với nhiều người. Vậy, công trình xây dựng là gì? Phân loại công trình xây dựng như thế nào theo quy định hiện nay?

Công trình xây dựng là gì?

Theo quy định của Luật Xây dựng 2014, công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. 

Hiểu một cách đơn giản thì công trình xây dựng là sản phẩm của ngành xây dựng, do những người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tạo ra, đó chính là những ngôi nhàm trường học, bệnh viện, đường giao thông, siêu thị, chung cư…tất cả đều được gọi chung là công trình xây dựng.

Phân loại công trình xây dựng

Hiện nay công trình xây dựng được chia ra làm 5 loại chính căn cứ theo những lĩnh vực trong đời sống xã hội, đó là:

Phân loại công trình xây dựng

Công trình dân dụng

Đây là những công trình nhà ở và công trình công cộng như trường học, bệnh viện, siêu thị, trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước…

+ Công trình nhà ở: Các tòa nhà chung cư, nhà ở tập thể khác; nhà ở riêng lẻ, nhà ở riêng lẻ kết hợp các mục đích dân dụng khác.

+ Công trình công cộng bao gồm các công trình giáo dục, đào tạo, nghiên cứu: sử dụng cho mục đích giáo dục, đào tạo, nghiên cứu trong các cơ sở sau: Nhà trẻ, trường mẫu giáo; trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường có nhiều cấp học; trường đại học và cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp; trường dạy nghề, trường công nhân kỹ thuật, trường nghiệp vụ và các loại trường hoặc trung tâm đào tạo khác; Trạm khí tượng thủy văn, trạm nghiên cứu địa chấn, cơ sở nghiên cứu vũ trụ; các trung tâm cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các cơ sở nghiên cứu chuyên ngành khác.

+ Công trình y tế: sử dụng cho mục đích khám chữa bệnh trong các cơ sở sau: Bệnh viện, phòng khám (đa khoa hoặc chuyên khoa); trạm y tế; nhà hộ sinh, điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, dưỡng lão; cơ sở phòng chống dịch bệnh; cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm chuyên ngành y tế; các cơ sở y tế khác.

+ Công trình thể thao: Sân vận động; nhà thi đấu; sân tập luyện, thi đấu các môn thể thao như: gôn, bóng đá, tennis, bóng chuyền, bóng rổ và các môn thể thao khác; bể bơi.

+ Công trình văn hóa: Trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường; các công trình di tích; bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày; công trình có tính biểu trưng, nghệ thuật (tượng đài ngoài trời, cổng chào,...), công trình vui chơi, giải trí; các công trình văn hóa khác.

+ Công trình tôn giáo, tín ngưỡng: Trụ sở của tổ chức tôn giáo, chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường; trường đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo; tượng đài, bia, tháp và các công trình tôn giáo khác; Công trình tín ngưỡng: Đình, đền, am, miếu, từ đường (nhà thờ họ) và các công trình tín ngưỡng khác.

+ Công trình thương mại: Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng; nhà hàng, cửa hàng ăn uống, giải khát và các công trình thương mại khác.

+ Công trình dịch vụ: - Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ; cơ sở nghỉ dưỡng; biệt thự lưu trú, căn hộ lưu trú và các cơ sở dịch vụ lưu trú khác; Biển quảng cáo đứng độc lập; bưu điện, bưu cục, cơ sở cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông khác.

+ Công trình trụ sở, văn phòng làm việc: Các tòa nhà sử dụng làm trụ sở, văn phòng làm việc của cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Các tòa nhà sử dụng làm trụ sở, văn phòng làm việc của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác; Các tòa nhà sử dụng làm văn phòng kết hợp lưu trú.

+ Các tòa nhà, kết cấu khác sử dụng đa năng hoặc hỗn hợp khác.

+ Các tòa nhà hoặc kết cấu khác được xây dựng phục vụ dân sinh.

+ Cổng, tường rào, nhà bảo vệ và kết cấu nhỏ lẻ khác phục vụ cho mục đích dân dụng.

Công trình dân dụng

Công trình công nghiệp

 Đây là những công trình được xây dựng lên nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, công trình luyện kim, cơ khí, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất hóa chất, các ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng.

+ Công trình sản xuất vật liệu, sản phẩm xây dựng: Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở mỏ khai thác cát, đá, sét, và các nguyên liệu cho ngành vật liệu xây dựng khác); nhà máy sản xuất xi măng; trạm nghiền xi măng hoặc các công trình đơn lẻ khác trong dây chuyền sản xuất vật liệu, sản phẩm xây dựng; các công trình sản xuất vật liệu, sản phẩm xây dựng khác (các loại cấu kiện bê tông, gạch xi măng cốt liệu, gạch đất sét nung và các loại viên xây khác, sản phẩm ốp, lát, sứ vệ sinh, kính và các sản phẩm từ kính, các sản phẩm từ gỗ và các sản phẩm khác).

+ Công trình luyện kim và cơ khí chế tạo: Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Nhà máy luyện kim mầu; nhà máy luyện, cán thép; nhà máy chế tạo máy động lực và máy nông nghiệp; nhà máy chế tạo máy công cụ và thiết bị công nghiệp; nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ; nhà máy chế tạo máy xây dựng; nhà máy chế tạo thiết bị toàn bộ; nhà máy sản xuất, lắp ráp phương tiện giao thông (ô tô, xe máy, tàu thủy,...); nhà máy chế tạo thiết bị điện, thiết bị cơ cho công nghiệp điện tử, điện lạnh; nhà máy sản xuất các sản phẩm cơ khí cho các ngành công nghiệp khác (công nghiệp hỗ trợ).

+ Công trình khai thác mỏ và chế biến khoáng sản: Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Mỏ than hầm lò, mỏ than lộ thiên; nhà máy sàng tuyển, chế biến than; nhà máy chế biến khoáng sản; mỏ quặng hầm lò, mỏ quặng lộ thiên; nhà máy tuyển, làm giàu quặng (bao gồm cả tuyển quặng bô xít); công trình sản xuất alumin.

+ Công trình dầu khí: Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Giàn khai thác, công trình phục vụ hoạt động khai thác, xử lý dầu khí; nhà máy lọc, hóa dầu; nhà máy chế biến khí; nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học; kho chứa dầu thô, xăng dầu; kho chứa khí hóa lỏng, trạm chiết khí hóa lỏng, phân phối khí; tuyến ống dẫn khí, dầu; nhà máy sản xuất dầu nhờn; nhà máy tái chế dầu thải.

+ Công trình năng lượng: Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Nhà máy thủy điện (không bao gồm các công trình đầu mối), nhiệt điện, điện nguyên tử; điện gió, điện mặt trời, điện địa nhiệt, điện thủy triều, điện rác (không bao gồm khu xử lý chất thải rắn), điện sinh khối; điện khí biogas; điện đồng phát; nhà máy cấp nhiệt, cấp hơi, cấp khí nén; đường dây truyền tải điện và trạm biến áp; cơ sở cung cấp nhiên liệu, năng lượng cho các phương tiện giao thông và sử dụng cá nhân.

+ Công trình hóa chất: Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sản xuất, kho chứa, trạm chiết nạp các sản phẩm sau: phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa được, hóa mỹ phẩm và hóa chất khác; nguồn điện hóa học (pin, ắc quy, que hàn,...); khí công nghiệp; cao su (săm, lốp, băng tải, cao su kỹ thuật,...); chất tẩy rửa (kem giặt, nước giặt, bột giặt, nước gội đầu, nước/chất tẩy rửa, xà phòng,…); sơn, mực in các loại; nguyên liệu nhựa (alkyd, acrylic,...); nguyên liệu mỏ hóa chất (tuyển quặng apatit); vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ công nghiệp.

+ Công trình công nghiệp nhẹ: Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, kho chứa các sản phẩm sữa; bánh kẹo, mỳ ăn liền; dầu ăn, hương liệu; đồ uống.

+ Công trình sản xuất sản phẩm tiêu dùng: Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau sản xuất, chế biến, đóng gói, lắp ráp, chế tạo, kho chứa các sản phẩm và thực hiện các công việc có liên quan sau: xơ sợi; dệt; in, nhuộm (ngành dệt, may); sản phẩm may; thuộc da và các sản phẩm từ da; nhựa; đồ sành sứ, thủy tinh; bột giấy và giấy; thuốc lá; đồ điện tử (ti vi, máy tính, điện thoại...), điện lạnh (điều hòa, tủ lạnh,...); linh kiện, phụ tùng thông tin và điện tử (mạch in điện tử, IC và các sản phẩm tương đương); thuốc và vật tư y tế; các sản phẩm tiêu dùng khác.

+ Công trình sản xuất sản phẩm nông, thủy và hải sản: Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau sản xuất, chế biến, đóng gói, kho chứa các sản phẩm và thực hiện các công việc có liên quan sau: thủy hải sản; đồ hộp; xay xát, lau bóng gạo; các sản phẩm nông sản khác.

+ Các công trình khác phục vụ mục đích sản xuất công nghiệp.

Công trình công nghiệp

Công trình hạ tầng kỹ thuật

Đây là những loại công trình cấp thoát nước, công trình xử lý chất thải, đền chiếu sáng công cộng, nghĩa trang, nhà hỏa táng, công viên…

+ Công trình cấp nước: Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Nhà máy nước, công trình xử lý nước sạch (kể cả xử lý bùn cặn); trạm bơm (nước thô, nước sạch hoặc tăng áp); các loại bể (tháp) chứa nước sạch; tuyến ống cấp nước (nước thô hoặc nước sạch).

+ Công trình thoát nước: Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Hồ điều hòa; trạm bơm nước mưa; công trình xử lý nước thải; trạm bơm nước thải; công trình xử lý bùn; các loại bể chứa nước mưa, nước thải; tuyến cống thoát nước mưa, cống chung; tuyến cống thoát nước thải.

+ Công trình xử lý chất thải rắn: Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở xử lý chất thải rắn thông thường bao gồm: Trạm trung chuyển; bãi chôn lấp rác; khu liên hợp xử lý/khu xử lý; cơ sở xử lý chất thải rắn; Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở xử lý chất thải nguy hại.

+ Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình trong các cơ sở sau: Công trình chiếu sáng công cộng (hệ thống chiếu sáng công cộng, cột đèn); Công viên cây xanh; Nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; Nhà để xe ô tô (ngầm và nổi); sân bãi để xe ô tô, xe máy móc, thiết bị.

+ Công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động: Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Nhà, trạm viễn thông, cột ăng ten, cột treo cáp, đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông.

+ Cống, bể, hào, hầm, tuy nen kỹ thuật và kết cấu khác sử dụng cho cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật:

Công trình hạ tầng kỹ thuật

Công trình giao thông

Đây chính là các công trình đường bộ, đường sắt, cầu vượt, hầm đi bộ, các công trình hàng hải, hàng không…

+ Công trình đường bộ: Đường ô tô cao tốc; đường ô tô; đường trong đô thị; đường nông thôn; Bến phà, bến xe; cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ; trạm thu phí; trạm dừng nghỉ.

+ Công trình đường sắt: Đường sắt cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị (đường sắt trên cao, đường tàu điện ngầm/Metro); đường sắt quốc gia; đường sắt chuyên dụng và đường sắt địa phương; Ga hành khách, ga hàng hóa; ga deport; các kết cấu rào chắn, biển báo phục vụ giao thông.

+ Công trình cầu: Cầu đường bộ, cầu bộ hành (không bao gồm cầu treo dân sinh); cầu đường sắt; cầu phao; cầu treo dân sinh.

+ Công trình hầm: Hầm tàu điện ngầm, hầm đường ô tô, hầm đường sắt, hầm cho người đi bộ.

+ Công trình đường thủy nội địa, hàng hải: Cảng, bến thủy nội địa; bến phà, âu tàu; công trình sửa chữa phương tiện thủy nội địa (bến, ụ, triền, đà, sàn nâng,...); luồng đường thủy (trên sông, hồ, vịnh và đường ra đảo, trên kênh đào); các khu vực neo đậu; công trình chỉnh trị (hướng dòng/bảo vệ bờ); Bến, cảng biển; bến phà; âu tàu; công trình sửa chữa tàu biển (bến, ụ, triền, đà, sàn nâng,...); luồng hàng hải; các khu vực, các công trình neo đậu; công trình chỉnh trị (đê chắn sóng/chắn cát, kè hướng dòng/bảo vệ bờ).

Các công trình đường thủy nội địa, hàng hải khác như hệ thống phao báo hiệu hàng hải trên sông, trên biển; đèn biển; đăng tiêu; công trình chỉnh trị, đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ; hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS) và các công trình hàng hải khác.

+ Công trình hàng không: Khu bay (bao gồm cả các công trình đảm bảo bay); nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, khu kỹ thuật máy bay (hangar), kho hàng hóa,...

+ Tuyến cáp treo và nhà ga để vận chuyển người và hàng hóa.

+ Cảng cạn.

+ Các công trình khác như: trạm cân, cống, bể, hào, hầm, tuy nen kỹ thuật và kết cấu khác phục vụ giao thông vận tải.

Công trình giao thông

Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn

+ Công trình thủy lợi: Hồ chứa nước; đập ngăn nước (bao gồm đập tạo hồ, đập ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết trên sông, suối,...); tràn xả lũ; cống lấy nước, cống tiêu nước, cống xả nước; kênh, đường ống dẫn nước; đường hầm thủy công; trạm bơm tưới - tiêu và công trình thủy lợi khác.

+ Công trình đê điều: đê sông; đê biển và các công trình trên đê, trong đê và dưới đê.

+ Một công trình độc lập hoặc một tổ hợp các công trình trong các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các dự án đầu tư xây dựng công trình khác phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Công trình phục vụ quốc phòng, an ninh

Công trình có kết cấu dạng nhà hoặc dạng kết cấu khác sử dụng làm các cơ sở, tiện ích, cấu trúc phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định chi tiết về loại công trình phục vụ quốc phòng, an ninh.

Phân cấp công trình xây dựng

Cấp công trình được xác định theo từng loại công trình căn cứ vào quy mô, mục đích, tầm quan trọng, thời hạn sử dụng, vật liệu sử dụng và yêu cầu kỹ thuật xây dựng công trình. Cấp công trình gồm cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III, cấp IV và các cấp khác theo quy định của Chính phủ.

- Phân cấp công trình đặc biệt có thời hạn sử dụng lên đến trên 100 năm;

- Phân cấp công trình xây dựng cấp I có thời hạn sử dụng công trình là trên 100 năm;

- Phân cấp công trình xây dựng cấp II có thời hạn sử dụng trong khoảng 50 năm đến 100 năm;

- Phân cấp công trình xây dựng cấp III có thời hạn sử dụng từ 20 năm đến dưới 50 năm;

- Phân cấp công trình xây dựng cấp IV có thời hạn sử dụng dưới 20 năm.

Ngoài ra, việc phân cấp công trình xây dựng sẽ được căn cứ dựa theo loại công trình, công năng của công trình chứ không theo một tiêu chí cụ thể và đưa ra một mức chung để phân cấp. Do đó khi xác đinh phân cấp công trình chủ thể cần dựa trên loại công trình đó là công trình gì, chức năng, quy mô của công trình để xác định. 

Ví dụ: Công trình dân dụng thuộc công trình giáo dục cấp đại học, trung cấp, cao đẳng  nếu có số lượng sinh viên toàn trường trên 8.000 sinh viên sẽ được phân vào công trình thuộc cấp một, 5.000 đến 8.000 sinh viên sẽ phân vào cấp hai và dưới 5.000 sinh viên thuộc cấp ba.

- Công trình thể thao sân thi đấu được phân vào cấp đặc biệt nếu khán đài có sức chứa trên bốn mươi nghìn chỗ ngồi, cấp một nếu có sức chứa 20.000 - 40.000 chỗ ngồi, cấp hai sẽ có sức chứa 5.000 đến 20.000 chỗ ngồi.

- Công trình văn hóa là bảo tàng, thư viện, triển xác định dựa trên tầm quan trọng cấp một thuộc tầm quan trọng quốc gia, cấp hai thuộc tầm quan trọng tỉnh ngành, công trình còn lại thuộc cấp ba.

- Công trình dân dụng là nhà ga sẽ được phân cấp dựa trên số lượt hành khách từ mười triệu lượt khách trên năm thuộc công trình xây dựng cấp một, dưới mười triệu lượt khách sẽ thuộc công trình cấp hai và một số công trình dân dụng khác sẽ được phân cấp theo quy định pháp luật.

Theo thanhnienviet

Phương Vũ (TH)

  • Facebook
  • Chia sẻ
Nhadat.cafeland.vn - Kênh mua bán nhà đất - bất động sản chính chủ hàng đầu Việt Nam