Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các quy định liên quan

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là loại thuế phổ biến, bắt buộc người sử dụng loại đất thuộc đối tượng nộp thuế phải nộp. Vậy những ai phải nộp thuế đất phi nông nghiệp, cách tính và khai thuế thế nào?

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là gì? 

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (hay thuế đất phi nông nghiệp) được hiểu là số tiền bắt buộc người sử dụng đất phải đóng khi sử dụng đất phi nông nghiệp trừ trường hợp được miễn theo quy định của Luật Đất đai 2013. Tùy vào diện tích đất và vị trí, khu vực của mảnh đất mà người sử dụng đất phi nông nghiệp sẽ phải nộp mức thuế khác nhau cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối tượng chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 

* Loại đất phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Căn cứ quy định tại Điều 2 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010 thì các loại đất phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bao gồm:

- Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.

- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp bao gồm: đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất khai thác, chế biến khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.

- Đất phi nông nghiệp quy định tại Điều 3 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010 sử dụng vào mục đích kinh doanh.

* Loại đất không phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Căn cứ quy định tại Điều 3 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010 thì các loại đất không phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là đất phi nông nghiệp sử dụng không vào mục đích kinh doanh bao gồm:

- Đất sử dụng vào mục đích công cộng bao gồm: đất giao thông, thủy lợi; đất xây dựng công trình văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất xây dựng công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ;

- Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng;

- Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;

- Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;

- Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ;

- Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

- Đất phi nông nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

Đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được quy định tại Điều 4 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 như sau:

- Người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế.

- Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế.

- Người nộp thuế trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau:

+ Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì người thuê đất ở là người nộp thuế;

+ Trường hợp người có quyền sử dụng đất cho thuê đất theo hợp đồng thì người nộp thuế được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không có thỏa thuận về người nộp thuế thì người có quyền sử dụng đất là người nộp thuế;

+ Trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người đang sử dụng đất là người nộp thuế. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất;

+ Trường hợp nhiều người cùng có quyền sử dụng một thửa đất thì người nộp thuế là người đại diện hợp pháp của những người cùng có quyền sử dụng thửa đất đó;

+ Trường hợp người có quyền sử dụng đất góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế tại mục (2) thì pháp nhân mới là người nộp thuế.

Cách tính thuế đất phi nông nghiệp 

Căn theo hướng dẫn cách tính thuế đất phi nông nghiệp tại Thông tư 153/2011/TT-BTC như sau:

(1) Đối với diện tích đất ở, đất sản xuất kinh doanh, đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh:

Số thuế phải nộp = Số thuế phát sinh - Số thuế được miễn, giảm (nếu có) 

Trong đó, Số thuế phát sinh = Diện tích đất tính thuế (m2) x Giá của 1m2 đất x Thuế suất (%)

(2) Đối với đất ở nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở, nhà chung cư (bao gồm cả có tầng hầm) và công trình xây dựng dưới mặt đất:

Số thuế phải nộp = Số thuế phát sinh - Số thuế được miễn, giảm (nếu có)

Trong đó: Số thuế phát sinh = Diện tích nhà của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân x Hệ số phân bổ x Giá của 1m2 đất tương ứng x Thuế suất

Trường hợp chỉ có công trình xây dựng dưới mặt đất:

Số thuế phát sinh = Diện tích sử dụng công trình của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân x Hệ số phân bổ x Giá của 1m2 đất tương ứng x Thuế suất

(3) Trường hợp đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh nhưng không xác định được diện tích đất sử dụng vào mục đích kinh doanh:

Số thuế phát sinh = Diện tích đất sử dụng vào kinh doanh (m2) x Giá của 1m2 đất (đồng) x Thuế suất (%)

Trong đó: Diện tích đất sử dụng vào kinh doanh (m2) = Tổng diện tích đất sử dụng x (Doanh thu hoạt động kinh doanh : Tổng doanh thu cả năm)

Thuế suất sử dụng đất phi nông nghiệp 2023

(1) Thuế suất đối với đất ở

- Đối với đất ở bao gồm cả đất sử dụng để kinh doanh thì áp dụng mức thuế suất như sau:

BẬC THUẾ

DIỆN TÍCH ĐẤT TÍNH THUẾ (m2)

THUẾ SUẤT (%)

1

Diện tích trong hạn mức

0,03

2

Phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức

0,07

3

Phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức

0,15

 - Đối với nhà ở nhiều tầng, chung cư và công trình dưới mặt đất áp dụng mức thuế suất 0,03%.

(2) Thuế suất đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh sẽ áp dụng mức thuế suất 0,03%.

(3) Đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo quy định sẽ áp dụng mức thuế suất 0.15%.

(4) Đất dự án đầu tư phân theo chu kỳ đăng ký của nhà đầu tư được cơ quan nhà nước phê duyệt sẽ áp dụng mức thuế suất là 0,03%

(5) Đất lấn, chiếm sẽ áp dụng mức thuế suất là 0,2%.

Hồ sơ khai thuế đất phi nông nghiệp phải nộp

(1) Đối với trường hợp khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp của năm thì cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho từng thửa đất chịu thuế

+ Đối với cá nhân, hộ gia đình sử dụng theo mẫu số 01/TK-SDDPNN 

+ Đối với tổ chức áp dụng mẫu số 02/TK-SDDPNN ban hành kèm theo Thông tư 153/2011/TT-BTC;

- Bản chụp các giấy tờ liên quan đến thửa đất chịu thuế như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất..

- Bản chụp các giấy tờ chứng minh thuộc diện được miễn, giảm thuế (nếu có).

(2) Đối với trường hợp khai tổng hợp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, hồ sơ gồm:

- Tờ khai tổng hợp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp mẫu số 03/TKTH- SDDPNN ban hành kèm theo Thông tư 153/2011/TT-BTC.

Thời gian nộp thuế

Theo Khoản 1, Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP có quy định về thời hạn nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

- Lần đầu chậm nhất 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp thuế. Từ năm thứ hai trở đi thì thời gian nộp thuế 1 lần trong năm chậm nhất là ngày 31 tháng 10.

- Thời hạn nộp thuế chênh lệch theo tờ khai tổng hợp chậm thuế là 31 tháng 3 năm dương lịch tiếp theo.

- Thời hạn nộp thuế đối với hồ sơ khai điều chỉnh chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp thuế.

Trình tự thực hiện 

Bước 1: Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Người nộp thuế có trách nhiệm khai chính xác vào Tờ khai thuế các thông tin liên quan đến người nộp thuế như: tên, số CMT, mã số thuế, địa chỉ nhận thông báo thuế; Các thông tin liên quan đến thửa đất chịu thuế như diện tích, mục đích sử dụng.

Nếu đất đã được cấp Giấy chứng nhận thì phải khai đầy đủ các thông tin trên Giấy chứng nhận như số, ngày cấp, số tờ bản đồ, diện tích đất, hạn mức (nếu có), nộp hồ sơ khai thuế tại cơ chế một cửa liên thông nơi có đất thuộc đối tượng chịu thuế. Trường hợp cơ chế một cửa liên thông không có quy định thì nộp hồ sơ đến cơ quan thuế nơi có đất thuộc đối tượng chịu thuế.

Đối với hồ sơ khai thuế đất ở của hộ gia đình, cá nhân, UBND cấp xã hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm xác nhận thông tin khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho người nộp thuế trong phạm vi nhiệm vụ của mình trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của người nộp thuế hoặc của cơ quan quản lý thuế.

Hàng năm, người nộp thuế không phải thực hiện khai lại nếu không có sự thay đổi về người nộp thuế và các yếu tố dẫn đến thay đổi số thuế phải nộp.

Trường hợp có phát sinh thay đổi các yếu tố làm thay đổi căn cứ tính thuế (trừ trường hợp thay đổi giá của 1 m2 đất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) dẫn đến tăng, giảm số thuế phải nộp: Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất 30 ngày kể từ ngày phát sinh thay đổi.

Khai bổ sung khi phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót ảnh hưởng đến số thuế phải nộp thực hiện theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế.

Người nộp thuế thuộc diện phải kê khai tổng hợp theo quy thì phải thực hiện lập tờ khai tổng hợp và nộp tại Chi cục Thuế nơi người nộp thuế đã chọn và đăng ký.

Bước 2. Cơ quan thuế tiếp nhận:

Cơ quan thuế thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo quy định đối sơ hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc hồ sơ được gửi qua đường bưu chính. Trường hợp hồ sơ được nộp đến cơ quan thuế thông qua giao dịch điện tử, việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận, giải quyết hồ sơ thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan thuế.

Trên đây là một số quy định về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bạn đọc có thể tham khảo!

Xem thêm:

Theo thanhnienviet

Phương Vũ (TH)

  • Facebook
  • Chia sẻ
Nhadat.cafeland.vn - Kênh mua bán nhà đất - bất động sản chính chủ hàng đầu Việt Nam