Đà Lạt như viên đá quí và hiếm, để càng lâu càng thấy thích. Vì dân đi du lịch hết 10% là có ý định đi lên cao nguyên, 75% đi biển, 15% đi đâu đó mà dân Sài Gòn đã hơn 10 triệu người, rất mê đi du lịch.
Theo trend “ Bỏ phố về rừng“ tui cũng mon men amateur vòng qua vòng lại theo xe ô tô (máy bay còn bị ảnh hưởng ít nhiều Covid), cũng cố gắng theo 3 hướng Lạc Dương đi Nha Trang , vùng sau Đại Ninh đi Phan Thiết, đường Sài Gòn dọc theo Quốc Lộ 20 để ngắm dân tình thế thái, ngửi hương hoa của đất .
Giờ nhà nào chỉ cần 2 vợ chồng làm văn phòng trên trên 7 năm thì dễ dàng sắm chiếc xe hơi vài trăm triệu, bắt đầu nghĩ tới mua bất động sản thứ 2 đầu tư, 1 lô đất ngoại ô hoặc 1 mảnh vườn nho nhỏ.
Có xe hơi, thêm vài triệu là có thể vi vu đâu đó du lịch xung quanh mình.
Covid đã làm thay đổi thói quen du lịch bằng phương tiện máy bay nếu có thể, nên các vùng du lịch ven Sài Gòn lại nóng. Vũng Tàu , Hồ Tràm 75 phút là tới, Phan Thiết xa hơn tí nữa Đà Lạt mảnh đất của mộng mơ là đích đến của dân có xe .
Trung tâm Đà Lạt giờ beton hoá, cũng phải chịu thôi chỉ cần hy vọng chính quyền giữ cho sạch, xanh và nét văn hoá để không beton hoá nét Đà Lạt nữa . Mình thuê Colin ở tầng 10 Đà Lạt Center thì vô tình thức giấc 2 h đêm ngắm qua cửa sổ thì Đà Lạt vẫn còn sương mù ở trên cao .
Trung tâm toàn hotel nhưng bao nơi khác cũng ế , giá nhà thì tăng liên tục 10-30% năm từ 4 năm nay , trong khi đó giá phòng tăng 3-5%/năm . Tuy vậy số lượng rao bán Hotel không đáng kể , cũng giảm giá tí 5-7%, có vẻ ngay bản thân chủ Hotel cũng bị Đà Lạt yêu mất rồi không nỡ bán .
Dân Đà Lạt nếu có bất động sản thì giàu thật ! Vì chính quyền chỉ cho tách lô nhỏ là 200 m2 , giá hẻm beton 3 m bèo thì cũng 15 trđ , xây căn nhà mất 1 tỷ , nên giá trị căn nhà muốn ở mới là trên 4 tỷ . “ Tội “ cho các bạn trẻ Đà Lạt giờ cầm 2-3 tỷ trong tay chẳng biết mua gì !
Căn hộ Đà Lạt thì rất ít chắc dưới 10 block , giá cũng 20-30 trđ /m2 , không có dự án mới .
Dân Đà Lạt cũ thì ngon rồi , đất nông nghiệp giờ cũng tầm 5-10 trđ/m2 , xa tí cũng 1-3 trđ/m2 . Mà hết 49% là có trên vài ngàn m2 .
Ai thèm condotel thì có vài khu như Đà Lạt Center full nội thất 55-60 trđ/m2 .
Các du khách dễ bị chốt hạ với vùng đất mộng mơ Đà Lạt nên hàng loạt các ca sĩ diễn viên đua nhau mua đất làm điền trang, nông trại 1-5 ha. Còn các doanh nhân cũng nhẹ nhàng tậu một căn biệt thự ngàn mét vuông vài chục tỷ như một Trend của giới thượng lưu . Các nhà đầu tư nhỏ cũng thích lắm nhưng để mua một bất động sản giá 4-5 tỷ là hơi ái ngại với túi tiền .
>> Nỗi buồn 'đại gia chốt liền tay 4 lô đất giá 12 tỷ'
Đà Lạt xưa giờ mang chất “ nghệ sĩ bụi “ như mình cuối tuần có ghé quán Hoàng Cá thì toàn U60 chủ trại nai, chủ trại cá tầm, bác sĩ, chủ farm, bác sỹ, nhà giáo , doanh nhân ... có cây guitar hát nghêu ngao cả đêm .Bất động sản Đà Lạt cũng “nghệ sĩ bụi “ như vậy, hết 80% quán cà phê là do chủ quán có ý tưởng thiết kế rất sáng tạo, nghệ thuật và không ai giống ai chỉ biết nhìn vào là “quán cà phê Đà Lạt “ .
Vì quá đam mê sáng tạo mà hàng loạt các điểm check in liên tục nở rộ , các công trình nổi tiếng trên thế giới được sao lại một phần tại các điểm tham quan và ngày càng thu hút du khách . Thôi cũng là một kiểu chấm phá chứ không bàn đúng sai, miễn là đam mê là được . Và nếu để ý thì chủ các điểm tham quan cũng dành riêng một không gian riêng cho riêng mình mang chất rất Đà Lạt .
Vì vậy không gian Đà Lạt tự nhiên theo đà check in , tham quan nông trại, trãi nghiệm đã kéo dài Đà Lạt sang Lạc Dương, Lâm Hà . Nếu muốn hưởng không khí Đà Lạt xưa có thể về Lạc Dương hít thở không khí rừng thông trên đồi và các căn nhà gỗ xưa . Còn muốn ấm áp thêm 2-3 độ trồng rau, cây ăn trái, view đồi chè, cà phê, thung lũng xanh thì về Lâm Hà với Mê Linh, Nam Ban.
Xu hướng “bỏ phố về rừng “ của dân thành thị đang đổ xô về 2 khu vực này vì tránh được thủ tục hành chánh phiền hà về quyền được tách thửa . Quan trọng là đất vẫn còn rẻ, mua lô nho nhỏ 500 m2 có tí thổ cư cũng hay chỉ tầm 400-600 trđ . Nghe nói Đà Lạt 2 sẽ gộp vài khu ở Lâm Hà , vì mua đất cũng phải để ý tầm không gian phát triển sau này , lỡ vài chục năm sau này không sử dụng nữa muốn chia tay cũng lời vài lần .
Sau này 5-7 năm nữa xong cao tốc Dầu Giây - Liên Khương thì Đà Lạt lại gần Sài Gòn hơn nữa .
Đà Lạt như viên đá quí và hiếm , để càng lâu càng thấy thích . Vì dân đi du lịch hết 10% là có ý định đi lên cao nguyên, 75% đi biển, 15% đi đâu đó mà dân Sài Gòn đã hơn 10 triệu người , rất mê đi du lịch.
Vậy đó, bất động sản Đà Lạt là vậy đó, dễ xao xuyến lòng người, dễ níu chân ở lại không muốn về .
>> Chuyện bi hài đầu tư bất động sản: Vô tình lướt sóng thành cư dân!
Trần Khánh Quang (Vietnam Business Insider)