Phố đi bộ Nguyễn Huệ - điểm vui chơi nổi tiếng ở Sài Gòn

Phố đi bộ Nguyễn Huệ nằm ở ngay trung tâm Quận 1, TP.HCM, là một điểm vui chơi, giải trí được nhiều người trẻ yêu thích khi đến Sài Gòn. Cùng khám phá địa điểm nổi tiếng này.

Bài viết cùng chủ đề:

Giới thiệu về phố đi bộ Nguyễn Huệ

Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở đâu?

Phố đi bộ Nguyễn Huệ là một trong những công trình trọng điểm của TP.HCM, được hoàn thành dịp 30/4/2015, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Phố đi bộ Nguyễn Huệ dài 670m, rộng 64m với kinh phí xây dựng gần 430 tỷ đồng nằm ngay ở trung tâm Quận 1, TP.HCM. Công trình gồm hai phân đoạn là Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ phía trước trụ sở UBND TP.HCM đến đường Lê Lợi và từ đường Nguyễn Huệ kéo dài đến đường Tôn Đức Thắng phía sông Sài Gòn.

Tượng đài được đúc bằng hợp kim đồng, cao 7,2m, hướng về phía sông Sài Gòn. Hai bên tượng đài Bác có hai hồ sen, xung quanh khu vực có các bồn hoa, cây cảnh được thiết kế hài hòa với đường phố và không gian đô thị.

Hạ tầng của công trình được thiết kế hiện đại, có khu vực tầng hầm là trung tâm điều khiển âm thanh, ánh sáng, trình diễn nhạc nước tại các ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi và Nguyễn Huệ - Mạc Thị Bưởi. Nước được phun theo những kịch bản khác nhau, kết hợp cùng ánh sáng và âm nhạc. Xung quanh phố đi bộ là các công trình kiến trúc cũ và mới qua nhiều thời kỳ, tạo nên một diện mạo đô thị đa dạng. Kế bên phố có nhiều quán cà phê, cửa hàng sách và các cửa hàng dịch vụ cộng đồng.

Lịch sử phố đi bộ Nguyễn Huệ

Phố đi bộ Nguyễn Huệ khởi thủy là con kênh đào mang tên Kinh Lớn, dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định do Nguyễn Ánh xây dựng năm 1790. Bấy giờ, người dân còn gọi là kênh Chợ Vải do dọc mé kênh có nhiều Hoa kiều tập trung bán vải vóc.

Sau khi Pháp chiếm được Sài Gòn, năm 1861, đô đốc Charner ban hành quy định giới hạn địa phận thành phố. Kinh Lớn được đổi tên thành kênh đào Charner, hai bên kênh là con đường chạy song song mang tên Rigault de Genouilly và Charner. Năm 1887, người Pháp cho lấp kênh đào và sáp nhập con đường ở hai bờ thành đại lộ Charner. Tuy nhiên người Sài Gòn thì gọi đường Kinh Lấp. Đại lộ Charner trở thành đường rộng nhất Sài Gòn, nơi diễn ra các lễ hội lớn, có nhiều cửa hàng và trụ sở các công ty, khách sạn...

Năm 1956, đại lộ Charner được đổi tên thành Nguyễn Huệ. Từ năm 1960, mỗi khi xuân về, đường Nguyễn Huệ xuất hiện chợ hoa từ khắp nơi về tập kết ở bến Bạch Đằng, trên bờ và trải dài trên đại lộ. Cuối thập niên 90, vì lý do trật tự tại trung tâm thành phố nên chợ hoa Nguyễn Huệ chuyển sang công viên 23/9. Năm 2004, chợ hoa trở lại đường hoa với diện mạo mới.

Tháng 4/2015, TP.HCM khánh thành công trình quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ với chiều dài 670m, rộng 64m.

Chơi gì ở phố đi bộ Nguyễn Huệ?

+ Âm nhạc ở phố đi bộ: Lang thang trên con phố vào các ngày cuối tuần bạn có thể bắt gặp những bạn trẻ có điểm chung đam mê với nghệ thuật tụ tập tạo thành các chương trình văn nghệ đường phố. Từ những bản nhạc hiphop hiện đại tới các bản nhạc pop nhẹ nhàng tất cả hòa quyện sẽ trở nên cực kỳ thú vị.

+ Đường sách Nguyễn Huệ: nằm ngay trên phố đi bộ và là địa điểm yêu thích của giới trẻ yêu thích đọc sách hay sưu tầm sách. Khi tới đây bạn có thể tìm thấy vô cùng nhiều các thể loại sách hay truyện với đa dạng chủ đề từ khoa học, xã hội, kiến thức, lịch sử, văn hóa và các bộ truyện dành cho thiếu nhi…

+ Phố đi bộ về đêm: Việc ngắm con phố vào đêm muộn sau 11h bạn sẽ thấy nó trở nên thanh bình, yên ả, vắng lặng, ít người sẽ cực phù hợp cho những ai yêu thích sự bình lặng.

+ Ngắm phố đi bộ Nguyễn Huệ từ trên cao: Xung quanh con phố đi bộ là vô số các quán cà phê, nước uống mà cái chính là có một chỗ ngồi để có thể ngắm toàn bộ tuyến phố. Ngắm nhìn tuyến phố đông đúc nhâm nhi li nước cũng là một cái thú mà bạn không thể bỏ qua.

Thăm căn chung cư 42 Nguyễn Huệ: Một căn chung cư cũ với lớp sơn tường đã bong tróc theo thời gian bổng trở nên nổi bần bật từ ngày có phố đi bộ. Vô số những quán cà phê cùng nhà hàng sang trọng đều có ở đây cả. Đây cũng là góc sống ảo được nhiều bạn trẻ yêu thích. 

+ Khu Saigon Garden ngay mặt tiền phố đi bộ Nguyễn Huệ: Nằm ngay sát bên phố đi bộ là tổ hợp vui chơi với những hàng cây xanh bao phủ bên trong là hệ thống nhà hàng, quán cà phê cũng như khu mua sắm hiện đại. 

Ăn gì ở phố đi bộ? Đến với phố đi bộ Nguyễn Huệ bạn sẽ được thỏa sức khám phá thiên đường ăn vặt với bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, bingsu, trà đào, trà sữa… 

Làm thế nào để di chuyển đến phố đi bộ Nguyễn Huệ?

Nằm ở ngay trung tâm quận 1, TP.HCM, nên bạn có thể dễ dàng di chuyển đến đây bằng phương tiện cá nhân hay công cộng, có thể sử dụng xe máy, xe công nghệ, taxi hoặc xe buýt.

Cung đường để đến với phố đi bộ: Chọn địa điểm đến với đường Nguyễn Hữu Cảnh – hướng về trung tâm quận 1 – bến Bạch Đằng – tiếp tục đi thẳng sẽ thấy được đường Nguyễn Huệ ở phía bên phải. Các tuyến xe buýt bạn có thể tham khảo một số chuyến như số 03, 04, 124, 152, 19, 93, v.v.

Nếu bạn đi xe máy thì nên chú ý vào cuối tuần (Thứ 7 và Chủ Nhật), đoạn đường Nguyễn Huệ sẽ cấm các phương tiện giao thông, dành không gian cho người đi bộ. Bạn có thể gửi xe ở các khu vực xung quanh, giá gửi xe cũng có thể dao động từ 10.000 – 50.000 đồng tùy nơi. 

Một số điểm gửi xe bạn có thể lựa chọn phù hợp với lộ trình như bãi giữ xe ở công viên Tao Đàn; Ngã ba Hồ Tùng Mậu – Tôn Thất Thiệp; bãi giữ xe bến xe bus đường thủy Bạch Đằng; Bãi giữ xe sau nhà hát thành phố, kế bên Circle K; Bãi giữ xe cổng chính của Bitexco; Vincom Đồng Khởi; Bãi giữ xe Diamond Plaza; Nhà văn hóa Thanh Niên; Ủy ban nhân dân quận 1;...

Lưu ý khi đi chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

- Gần phố đi bộ Nguyễn Huệ có rất nhiều điểm vui chơi khác bạn có thể tham quan như Nhà thờ Đức Bà, hồ Con Rùa, Chợ Bến Thành,... nên du khách có thể kết hợp để tham quan.

- Nên hỏi giá gửi xe trước cùng hỏi giờ đóng cửa của bãi giữ xe

- Phố đi bộ rất đông nên bạn cần tự chủ động bảo vệ tư trang tránh bị móc túi hay cướp giật

- Nằm ở vị trí trung tâm thành phố nên các mặt hàng bày bán ở đây giá cũng tương đối cao vì thế bạn nên hỏi giá trước khi mua đồ.

Theo thanhnienviet

Phương Vũ (TH)

  • Facebook
  • Chia sẻ
Nhadat.cafeland.vn - Kênh mua bán nhà đất - bất động sản chính chủ hàng đầu Việt Nam