Logia là gì? Logia và ban công khác nhau như thế nào? Quy định về xây dựng, thiết kế logia thế nào? Cùng tìm hiểu rõ hơn về logia qua bài viết dưới đây.
Lô gia (logia) là hành lang hướng ra ngoài nhưng được xây âm vào bên trong và bằng với mặt bằng nhà. Khu vực này được che chắn rất cẩn thận, nếu đứng từ bên trong logia nhìn ra ngoài thì chỉ thấy được hướng trước mặt vì hai hướng bên cạnh đều là tường che lại.
Logia được xuất hiện rất nhiều trong thiết kế nội thất chung cư, không chỉ giúp nâng cao tính thẩm mỹ mà nó còn đảm bảo tính riêng tư cho chủ nhân căn hộ.
Phân loại logia, có 2 loại lô gia được phân theo chức năng:
- Logia để nghỉ ngơi: Thường gắn liền với phòng khách hoặc phòng ngủ. Có thể dùng làm nơi thư giãn, trồng cây cảnh,...
- Logia để phục vụ sinh hoạt: Thường gắn với bếp hoặc nhà vệ sinh. Có thể dùng làm nơi trồng cây, rau, giặt giũ, phơi phóng,...
- Ưu điểm của logia: + Đảm bảo khả năng riêng tư, độc lập và không ảnh hưởng đến các công trình khác
+ Khả năng chịu lực tốt do thiết kế thụt vào trong mặt bằng ngôi nhà và kết cấu tương tự với những chức năng khác
+ Tuổi thọ cao do ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết và môi trường
+ Công dụng đa năng, diện tích thay đổi linh hoạt nên có thể trở thành không gian xanh trồng cây cảnh, phơi quần áo hoặc như một căn phòng thư giãn nho nhỏ.
- Nhược điểm của logia: + Góc nhìn bị hạn chế hơn do chỉ có 1 mặt thoáng phía trước.
+ Chiếm dụng một phần diện tích của mặt bằng nên với những không gian nhỏ sẽ khá bất tiện.
Theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 323:2004, yêu cầu về việc thiết kế lo gia được quy định cụ thể như sau:
- Theo quy định, các ngôi nhà hay căn chung cư từ tầng 6 trở lên thì tuyệt đối không được xây dựng ban công mà chỉ được thiết kế logia. Lan can không được hở chân và bắt buộc chiều cao phải từ 1,2m trở lên.
- Đối với các căn chung cư, nhà cao tầng từ tầng 3 trở lên thì lan can của logia phải làm từ các vật liệu không cháy, chống cháy nổ. Hiện nay, đa số vật liệu xây dựng lan can lô gia thường là nhôm, thép không gỉ cao cấp, bê tông cốt thép để đảm bảo độ bền, khả năng chịu lực, chịu nhiệt bảo vệ an toàn cho con người.
- Đối với các căn hộ không thiết kế lô gia thì cần thiết kế tối thiểu 1 cửa sổ có kích thước tối thiểu là 600 x 600mm để phục vụ cứu hộ, cứu nạn và đảm bảo độ thông thoáng cho ngôi nhà.
Ban công và lô gia đều là những không gian thoáng nằm ở mặt ngoài ngôi nhà, với diện tích tương đương nhau. Cấu trúc thiết kế phục vụ mục đích làm nơi nghỉ ngơi hóng mát, nơi phơi đồ, uống trà ngắm cảnh,... Cả hai khu vực này đều được xây theo những hướng hợp phong thủy, có lợi cho gia chủ. Thông thường, ban công và logia hay làm theo hướng Đông, hướng Nam, hướng Đông Nam và tránh hướng Tây.
Ban công là gì? Đây là phần thiết kế được xây vượt ra khỏi mặt bằng căn nhà. Ban công có thể có hoặc không có phần mái che, phụ thuộc vào nhu cầu của gia chủ. Ban công thường được thiết kế cho kiểu nhà ở thấp tầng hoặc biệt thự, villa, kiến trúc kiểu Pháp…
>> Top 10 cây rủ ban công giúp nhà thêm xanh mát
Đặc điểm |
Logia |
Ban công |
Vị trí thiết kế |
Được xây bên trong mặt bằng nhà và không có bộ phận nhô ra khỏi tường nhà |
Vượt ra khỏi bề mặt ngôi nhà và mở rộng diện tích sử dụng |
Hướng nhìn |
Chỉ có 1 mặt thoáng phía trước của logia nhưng tính an toàn và riêng tư cao hơn |
Hướng nhìn của ban công thoáng rộng |
Kích thước |
Có thể từ 2 – 2,5m và tạo một không gian như một căn phòng thu nhỏ |
Thường chỉ khống chế trong khoảng từ 1 – 1,5m |
Mái che |
Luôn có mái che ở phía trên là mái hoặc sàn của tầng bên trên |
Có thể thiết kế mái che hoặc không tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng |
Ứng dụng |
Thường được sử dụng cho các công trình lớn như: nhà cao tầng, chung cư, nhà nghỉ, khách sạn,... hoặc nhà phố không được phép xây ban công |
Chỉ được sử dụng ở các công trình thấp tầng và phổ biến nhất là kiểu nhà biệt thự |
Do hạn chế về diện tích, nên việc trang trí thiết kế logia cần được gia chủ tính toán tỉ mỉ sao cho tiện nghi và hợp thẩm mỹ, xu hướng. Một thiết kế logia đẹp và đạt tiêu chuẩn cần đạt được các tiêu chuẩn như: Chịu được ẩm, ánh sáng mặt trời; Lan can phải làm từ các vật liệu chống cháy nổ, đảm bảo độ cứng cáp và an toàn cho người sử dụng; Yêu cầu kết cấu chịu lực, chống thấm và cách nhiệt để đảm bảo độ an toàn; Phần sàn của logia nên làm từ vật liệu kết cấu chịu lực tốt như sàn gỗ, thép, bê tông cốt thép...; Thiết kế sàn lô gia nên thấp hơn sàn nhà bên trong, có độ dốc 1% – 2% để phục vụ việc thoát nước.
Logia an toàn và đẹp cần phải đạt độ cao lan can theo tiêu chuẩn, tầng hai đến tầng 5 độ cao lan can khoảng 90-100 cm, từ tầng 5 logia phải đạt độ cao lan can là 100 cm trở lên, cao hơn nữa có thể là 120 cm-140 cm.
Lan can bảo vệ logia nên làm bằng thép bản dập, xếp dọc, hạn chế trẻ em leo trèo. Còn muốn an toàn tuyệt đối thì có thể lắp thêm lưới an toàn (chú ý yêu cầu phòng cháy chữa cháy).
Thiết kế logia thành khu vườn nhỏ xinh, thêm ghế sofa tạo không gian mở giúp chủ nhà nghỉ ngơi, thư giãn và nạp năng lượng vô cùng hiệu quả.
Lựa chọn sàn logia bằng gỗ chống thấm chống nước tốt, thêm cây xanh tạo không gian xanh thoáng.
Ảnh: Nội thất Mạnh Hệ
Logia chung cư được trang trí hoa nhiều màu sắc. Có nhiều loại tiểu cảnh khác nhau có thể thiết kế cho logia như: chậu cây xanh, vườn rau nhỏ, cây treo tường, treo trần, tiểu cảnh nước... tùy vào sở thích và khả năng mà bạn có thể lựa chọn cho phù hợp.
Bạn cũng có thể biến không gian logia thành khu vực phục vụ sinh hoạt như sử dụng logia để làm phòng giặt phơi, nơi làm việc...
Thiết kế lô gia hiện đại đa năng vừa là không gian làm việc vừa là không gian thư giãn độc đáo cho các thành viên trong gia đình.
Phương Vũ (TH)