Lễ nhập trạch là gì? Thủ tục làm lễ nhập trạch

Một số cá nhân hoặc gia đình khi chuyển về nhà mới sẽ thường thực hiện một nghi lễ gọi là lễ nhập trạch. Vậy lễ nhập trạch là gì?

Thực hiện lễ nhập trạch khi chuyển đến nhà mới

Ý nghĩa lễ nhập trạch

Theo từ ngữ Hán Việt “nhập” có nghĩa là vào, “trạch” có nghĩa là nhà. Như vậy, lễ nhập trạch có ý nghĩa là lễ dọn vào nhà mới.

Đến nay, nhập trạch là một nghi lễ cổ truyền bên cạnh lễ động thổ, cất nóc việc làm lễ nhập trạch tức là đăng ký hộ khẩu với thần linh, thổ địa nơi ngôi nhà đã tọa lạc để được chấp thuận, cuộc sống gia đình, công việc sau này sẽ được thuận buồm xuôi gió.

Đồng thời, do bàn thờ tổ tiên, thần tài - thổ địa đang được thờ cúng tại nhà cũ nên khi chuyển dọn nhà, việc cúng nhập trạch mang ý nghĩa xin phép được chuyển họ đến nhà mới để được tiếp tục phù hộ.

Lễ nhập trạch được áp dụng cho cả nhà mới xây, mới mua; đối với nhà thuê, nhà trọ có thể không bắt buộc và tùy vào niềm tin mỗi người.

Danh sách lễ vật cúng nhập trạch

 

Bàn cúng được chuẩn bị cho lễ nhập trạch

Mâm ngũ quả có thể chọn 5 loại quả tươi ngon và đẹp mắt tùy sở thích của gia chủ.

Hoa cúng có thể chọn những loại hoa như hồng, ly, cúc; 1 cặp đèn cầy, nhang, trầu cau, vàng mã, 3 hủ nhỏ dùng đựng gạo, muối và nước.

Mâm cơm cúng tùy theo gia đình có thể cúng chay hoặc mặn.

Ngoài ra, trên bàn cúng không thể thiếu 3 ly trà, 3 ly rượu và 3 điếu thuốc.

Hướng dẫn làm lễ nhập trạch

- Dọn dẹp nhà mới

Trước khi chuyển về nhà mới gia chủ cần đảm bảo hoàn thiện việc xây bếp, đặt bàn thờ, bài vị, chuẩn bị gạo nước, có những đồ dùng như bàn ghế,…

Ngoài ra gia chủ cũng nên lưu ý tự tay mang những vật dụng đó đến không gian sống mới của mình. Việc làm này giúp tránh những vía không tốt đi theo đồ đạc của chủ nhà theo đến nơi ở mới.

- Xem ngày nhập trạch

Thông thường, việc chọn ngày giờ để thực hiện lễ nhập trạch cần phải được tham khảo một số loại sách về phong thủy, nhưng tốt nhất là hỏi ý kiến từ các thầy phong thủy, chuyên gia phong thủy có kinh nghiệm để chọn giờ tốt phù hợp với mệnh của gia chủ và hướng nhà để dọn đến nhà mới. Nếu chọn ngày giờ không tốt sẽ mang đến những điều kém may cho cả gia đình.

- Thực hiện nghi lễ nhập trạch

Đầu tiên khi bước vào nhà là bật tất cả điện và mở mọi cánh cửa để thông thoáng như việc khai thông, đánh thức ngôi nhà. Chuẩn bị đầy đủ lễ vật cho mâm cúng như danh sách đã nêu ở trên.

Tiếp đến, gia chủ (người trụ cột gia đình) cầm lư hương cùng bài vị gia tiên đi qua bếp than đặt trước cửa, các thành viên còn lại trong gia đình cũng bước theo sau và cầm những đồ vật thờ cúng khác như chiếu, bếp nấu, đồ vật may mắn. Đối với nhà chung cư thì bỏ qua bước này.

Sau đó là thắp nhang, đọc văn khấn nhập trạch (văn khấn được tham khảo từ chuyên gia phong thủy). Tiếp đó là khai bếp, tức đun nước và pha trà trên bếp.

Sau khi làm lễ xong, gia chủ có thể ngủ dọn vào ở ngay hoặc ngủ lại một đêm để lấy ngày và thực hiện xông nhà bằng các nguyên liệu đơn giản có thể mua ở các cửa hàng. Việc treo chuông gió trước cửa hoặc dùng đá phong thủy trấn ở các góc nhà cũng cần thiết để luân chuyển không khí.

>> Mượn tuổi làm nhà thế nào cho đúng?

Lưu ý khi làm lễ nhập trạch

An vị đồ đạc, nội thất trong nhà khoảng từ 1-2 tuần trước khi làm lễ nhập trạch để khí trường được lưu thông ổn định, tránh những điều không hay.

Chọn ngày nhập trạch lúc vận đất ở trạng thái vượng nhất hoặc ổn định nhất để đảm bảo yếu tố Thiên – Địa – Nhân, điều này sẽ khác với việc chọn ngày đẹp.

Việc an vị bàn thờ trước khi chuyển các đồ nội thất khác về nhà mới sẽ khiến cho bàn thờ dễ bị động là điều không hay, ảnh hưởng tới vận thế sau này của gia đình, do đó gia chủ phải thực hiện bố trí các đồ nội thất khác trong nhà trước rồi đến mới chuyển bàn thờ về nhà. Trừ trường hợp gia chủ muốn nhập trạch lấy ngày và chưa chuyển đồ về ngày.

Theo chuyên gia phong thủy, 100 ngày đầu tiên sau khi nhập trạch cần thắp đèn, thắp hương đầy đủ bởi vì ngoài việc tỏ lòng thành kính đến chư vị thần linh, ông bà tổ tiên còn để cho ngôi nhà luôn vượng khí.

Cho người lạ, đôi vợ chồng ở hoặc ngủ lại trong nhà mới sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không hay, khiến ngôi nhà bị chi phối bởi một thành viên khác, không có lợi cho các thành viên trong gia đình.

>> Lễ cúng động thổ và những nguyên tắc cần lưu ý

Thảo Uyên (TH)

  • Facebook
  • Chia sẻ
Nhadat.cafeland.vn - Kênh mua bán nhà đất - bất động sản chính chủ hàng đầu Việt Nam