Dinh Độc Lập là di tích quốc gia đặc biệt thu hút nhiều du khách tham quan khi đến TP.HCM. Hãy cùng khám phá điểm đến lịch sử nổi tiếng này.
Dinh Độc Lập còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như Dinh Thống Nhất, Dinh Norrodom, Dinh Toàn Quyền, Dinh Thống Đốc, Hội trường Thống Nhất, được thiết kế bởi vị kiến trúc sư Việt Nam Ngô Viết Thụ.
Dinh Norodom thời Pháp thuộc
Vị trí: 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP.HCM
106 Nguyễn Du, Quận 1, TP.HCM
Dinh Độc Lập tọa lạc tại vị trí đắc địa trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mặt sau là đường Huyền Trân Công Chúa, mặt phải là đường Nguyễn Du và mặt trái là đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Dinh Độc Lập là một trong những công trình kiến trúc độc đáo và nổi tiếng tại TP.HCM, đã tồn tại hơn 150 năm. Công trình được ông La Grandière, viên Thống đốc Pháp tại miền Nam Việt Nam, đặt viên đá khởi công xây dựng vào năm 1868 và hoàn tất vào năm 1871.
Lúc đầu, dinh có tên là Dinh Norodom; đến năm 1954, được đổi thành Dinh Độc Lập. Ngoài ra, dưới thời Việt Nam Cộng hòa, tòa nhà này được gọi là Dinh Tổng thống hoặc Phủ Đầu Rồng, bởi đây là nơi ở và làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ.
Xét về mặt lịch sử, Dinh Độc Lập không chỉ là chứng nhân lịch sử quan trọng mà còn biểu tượng cho sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Bởi lẽ, đây chính là nơi lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên, đánh dấu chiến thắng của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước. Với các giá trị đặc biệt của Dinh Độc Lập, công trình này được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1976. Đến năm 2009, Dinh Độc Lập được xếp hạng là một trong mười Di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của Việt Nam.
Hiện nay, Dinh Độc Lập mở cửa cho người dân, du khách và cũng đã đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia cũng như quan chức cấp cao của các nước đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Dinh thự bao gồm 3 tầng chính với tầng nền, gác lửng, 2 tầng hầm và sân thượng để trực thăng đáp xuống. Phía bên trong có hơn 100 căn phòng được trang trí theo phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng. Trong đó có các phòng như phòng họp Nội Các, phòng khánh tiết, phòng trình Quốc thư, phòng đại yến, phòng tranh,…
Kiến trúc của công trình được mô phỏng theo các từ ngữ Hán Việt mang ý nghĩa tốt đẹp như chữ CÁT (nghĩa là tốt lành) chính là hình dáng của toàn thể dinh thự hay phần mái hiên có những nét gạch ngang tạo thành hình chữ TAM, chỉ con người hội tụ đủ 3 yếu tố Nhân, Minh, Võ.
Tổng thể bên ngoài Dinh Độc Lập
Dinh được xây dựng trên khuôn viên có diện tích 12ha được giới hạn bởi 4 trục đường chính. Tổng diện tích sử dụng của Dinh là 20.000m2 chia làm 95 phòng, mỗi phòng có một chức năng riêng, kiến trúc và cách trang trí phù hợp với mục đích sử dụng của từng phòng. Riêng khu nhà chính hình chữ T có diện tích mặt bằng là 4.500m2, cao 26m, nằm ở vị trí trung tâm của khu đất. Ðây từng là nơi ở và làm việc Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, gồm có tầng hầm, tầng nền, 3 tầng lầu, 2 gác lửng và sân thượng. Sau năm 1975, khu nhà chính này tiếp tục được sử dụng một số phòng, còn lại để phục vụ du khách tham quan.
Công trình Dinh Độc Lập là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc hiện đại và Á Đông, đặc biệt là kiến trúc truyền thống Việt Nam. Bố cục của Dinh Độc Lập từ mặt bằng tổng thể cho đến mặt bằng tòa nhà đều sắp đặt theo triết học phương Đông thể hiện qua chiết tự chữ Hán, để gửi gắm những điều tốt lành cho dân tộc Việt Nam:
- Toàn thể bình diện là hình chữ Cát, có nghĩa là tốt lành và may mắn;
- Trung tâm tạo hình chữ Khẩu, để đề cao giáo dục và tự do ngôn luận;
- Cột cờ chính giữa chữ Khẩu tựa nét sổ thẳng tạo thành chữ Trung, nhắc nhở về sự trung kiên;
- Ba nét gạch ngang được tạo bởi các mái hiên lầu xung quanh, mái hiên bao lơn danh dự và mái hiên tiền sảnh tạo hình chữ Tam, tượng trưng cho Nhân – Minh – Võ đức;
- Khi nối ba nét gạch ngang bằng một nét sổ thẳng thì sẽ cho ra chữ Vương, kết hợp với kỳ đài phía trên làm nét chấm, tạo thành chữ Chủ. Vương – Chủ chính là chủ quyền quốc gia;
Mặt trước của dinh thự, toàn bộ bao lơn lầu hai và lầu ba kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng hai cột bọc gỗ tạo thành hình chữ Hưng, để cầu mong sự hưng thịnh. Phía trước và sau lưng Dinh là hai công viên cây xanh và các hồ nước nhân tạo, nhằm mục đích điều hoà không khí. Vào những năm đầu thập niên 1960, đây là công trình đầu tiên xây dựng theo lối kiến trúc xanh.
Sân trước Dinh Độc Lập là một thảm cỏ hình oval có đường kính lên tới 102m, tạo cảm giác dễ chịu ngay khi bước vào cổng. Khuôn viên Dinh Độc Lập hầu như được phủ kín bởi những bãi cỏ xanh mướt, vườn cây cổ thụ rợp bóng, vườn cây cảnh quý. Xa xa, trên gò đất cao ở góc trái Dinh còn có một nhà chòi bát giác với không gian mở, dùng làm nơi thư giãn. Khi mới bước vào cổng Dinh, bạn sẽ thấy ấn tượng thảm cỏ oval xanh ngát ở khu vực sân trước. Ngoài ra, ở đây còn có một hồ nước hình bán nguyệt trồng hoa sen và súng, 2 loài hoa mang tính biểu tượng của dân tộc ta.
Bên trong Dinh Độc Lập
- Khu vực cố định: bao gồm 100 căn phòng với phong cách trang trí riêng biệt, trong đó có phòng nội các, phòng đại yến, phòng trình quốc thư, phòng làm việc, phòng ngủ của gia đình tổng thống,...
Đây chính là nơi làm việc và sinh hoạt của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xưa. Khi đến tham quan khu vực này, bạn sẽ thấy những di tích lịch sử tái hiện một cách sống động cuộc chiến khốc liệt của dân tộc ta.
- Khu chuyên đề: là nơi diễn ra các cuộc triển lãm lớn, giúp du khách nhìn lại những khoảnh khắc lịch sử sống động của thời kỳ trước. Tại đây trưng bày nhiều chuyên đề lịch sử nổi tiếng như chiến dịch Hồ Chí Minh, hiệp định Paris, Đường Hồ Chí Minh,... Để hiểu rõ những sự kiện lịch sử và ý sâu xa ẩn trong các chi tiết đó, du khách nên thuê hướng dẫn viên du lịch đi cùng.
- Khu bổ sung: tại đây có rất nhiều bức ảnh mang giá trị lịch sử được người dân lưu giữ từ các cuộc kháng chiến hào hùng cho đến khi đất nước độc lập. Bộ sưu tập này được gìn giữ vô cùng cẩn thận nhằm giúp các thế hệ sau này có thể nhìn lại những sự kiện lịch sử của dân tộc một cách chân thực nhất.
Nằm ở vị trí trung tâm của thành phố, du khách có thể ghé thăm Dinh Độc Lập bằng phương tiện cá nhân hoặc xe buýt công cộng. Đi bằng xe máy, ô tô có thể gửi xe ở phía đường Huyền Trân Công Chúa, công viên Tao Đàn ở đường Trương Định. Một số tuyến xe buýt đi qua Dinh Độc Lập như:
- Tuyến 01: Bến Thành – Bến xe Chợ Lớn
- Tuyến 02: Bến Thành – Bến xe Miền Tây
- Tuyến 03: Bến Thành – Thạnh Lộc
- Tuyến 04: Bến Thành – Cộng Hòa – Bến xe An Sương
- Tuyến 05: Bến xe Chợ Lớn – Biên Hòa
Giờ tham quan: Tòa nhà chính Di tích lịch sử Dinh Độc Lập: Từ 08h00’ đến 16h30’
Nhà trưng bày “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 – 1966”: Từ 08h30’ đến 16h30’
Giờ bán vé: Từ 08h00’ đến 15h30′
Vé tham quan Dinh (bao gồm Trưng bày “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 – 1966)
- Người lớn: 65.000đ/người
- Sinh viên: 45.000đ/người
- Trẻ em: 15.000đ/người
Vé tham quan Dinh
- Người lớn: 40.000đ/người
- Sinh viên: 20.000đ/người
- Trẻ em: 10.000đ/người
- Đường sách TP.HCM: Đường Nguyễn Văn Bình, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
- Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Công trường Công Xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
- Công viên 30/4: Lê Duẩn, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
- Bảo tàng TP.HCM: 65 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
- Nhà hát TP.HCM: 7 công trường Lam Sơn, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
- Bến Bạch Đằng: 27 Tôn Đức Thắng, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
>>Nhà thờ Đức Bà – điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Sài Gòn
Phương Vũ (TH)