Đầu tư công là gì?

Đầu tư công là gì? vốn đầu tư công và tình hình giải ngân vốn đầu tư công hiện nay như thế nào? Cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.

Đầu tư công là gì?

Theo khoản 15 Điều 4 Luật Đầu tư công 2019, đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định.

Đối tượng đầu tư công

Đối tượng đầu tư công được quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư công 2019 như sau:

- Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: Trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền. 

Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A.

- Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

- Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội.

- Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư.

- Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

- Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyên tắc quản lý đầu tư công

Nguyên tắc quản lý đầu tư công được quy định tại Điều 12 Luật đầu tư công năm 2014 như sau:

+ Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

+ Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

+ Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí.

+ Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công. Nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công bao gồm: Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công;  Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công; Nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm;  Kế hoạch, chương trình đầu tư công trên địa bàn; vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công;…

Phân loại đầu tư công 

Tùy thuộc các tiêu chí khác nhau hiện nay có các loại đầu tư công như sau:

- Dựa theo tiêu chí nguồn vốn: Đầu tư công gồm có các hoạt động đầu tư, hỗ trợ đầu tư có sử dụng vốn nhà nước vào những công trình, dự án để phát triển kinh tế xã hội. Vốn nhà nước trong đầu tư công gồm có vốn ngân sách nhà nước chi cho đầu tư theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; vốn huy động được từ trái phiếu Chính phủ, chính quyền địa phương, công trái của quốc gia; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn tín dụng được Nhà nước bảo lãnh và vốn đầu tư doanh nghiệp nhà nước. 

Theo tiêu chí này đầu tư công được chia thành thành 05 loại:

  • Đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước (gồm có cả vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước)

  • Đầu tư công sử dụng vốn từ nguồn gốc ngân sách

  • Đầu tư công sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA)

  • Đầu tư công sử dụng nguồn vốn vay có sự bảo lãnh của Chính phủ và chính quyền địa phương.

  • Đầu tư công sử dụng vốn hỗn hợp

- Dựa theo tính chất của dự án đầu tư công được chia thành 02 loại:

  • Đầu tư công theo dự án có xây dựng công trình

  • Đầu tư công theo dự án không có xây dựng công trình.

- Dựa theo mục tiêu và phạm vi đầu tư: đầu tư công được chia thành 02 loại:

  • Đầu tư công vào những hoạt động không có khả năng hoàn vốn. Đây là loại hình đầu tư vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, hình thành cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội nhằm hỗ trợ, phát triển, kích thích thu hút những nguồn vốn khác.

  • Đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận như: đầu tư các dự án và thành lập doanh nghiệp Nhà nước thực hiện dự án đầu tư công; đầu tư vào các chương trình, dự án với mục đích kinh doanh; đầu tư qua các tổ chức kinh tế do Nhà nước lập ra.

Vốn đầu tư công là gì?

Vốn đầu tư công là khái niệm dùng để chỉ nguồn vốn mà Nhà nước chi tiền ngân sách ra, để đầu tư vào các dự án cần thiết phục vụ đời sống của nhân dân và sự phát triển của cộng đồng.

Phân loại vốn đầu tư công: Có 5 loại vốn đầu tư công đó là:

+ Vốn ngân sách nhà nước: Đây là nguồn vốn được quyết định và giải ngân vốn đầu tư công đến các bộ ngành, địa phương. Nguồn vốn giải ngân đầu tư công đến từ ngân sách nhà nước, được dùng để xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội. Đây là nguồn vốn không hoàn lại, không có khả năng thu hồi vốn hay thu hồi vốn chậm. Vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước có vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế nhà nước.

+ Vốn đầu tư từ các chương trình hỗ trợ:  là nguồn vốn đầu tư đến từ các chương trình hỗ trợ đầu tư quốc gia được quyết định bởi chính phủ nhà nước.

+ Vốn tín dụng đầu tư: là nguồn vốn của nhà nước, được chính phủ cho vay với mức lãi suất bằng với nguồn vốn tự do hay vốn ODA. Vốn tín dụng này được sử dụng để đầu tư vào các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên của nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu nhất định.

+ Vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước: gồm có giải ngân tiền vốn từ ngân sách nhà nước đã cấp cho doanh nghiệp, cùng với các khoản thu có lợi nhuận hoặc vốn vay của doanh nghiệp do Nhà nước bảo lãnh. Quản lý và phân bố sử dụng đúng cách vốn đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước ở các lĩnh vực được dùng để đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế đất nước. 

+ Vốn vay trong nước và nước ngoài: Bên cạnh các nguồn vốn đến từ nguồn trong nước như ngân sách nhà nước, tín dụng đầu tư, thì nguồn vốn vay từ cả trong nước và nước ngoài cũng cần thiết để thực hiện những dự án cần thiết. Đây là nguồn vốn vay trong nước và nước ngoài đối với những dự án đầu tư trong nước. Nguồn vốn trong nước gồm trái phiếu địa phương hoặc trái phiếu chính phủ (phiếu ngoại tệ, phiếu kho bạc, trái phiếu đầu tư, công trái xây dựng…).

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công hiện nay

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023, với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025).

Đặc biệt, trong năm 2023, Quốc hội cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023 là năm có kế hoạch vốn đầu tư công rất lớn bao gồm cả vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Nhiều dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã cơ bản hoàn thành thủ tục, đến thời điểm này sẽ tập trung triển khai thực hiện. Nhiều dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cũng đã xong vấn đề về thủ tục, quy trình đã tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công năm nay sẽ tích cực hơn các năm trước.

Về giải ngân vốn đầu tư công, theo báo cáo của bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7/2023 là 267.625,2 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch (đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 31,61% kế hoạch và đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Tỷ lệ ước giải ngân 7 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 35,49% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 37,85%, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (34,47%); trong đó vốn trong nước đạt 38,53% (cùng kỳ năm 2022 đạt 36,02%), vốn nước ngoài đạt 21,47% (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,90%).

Bộ Tài chính cũng cho biết, có 12 Bộ, cơ quan trung ương và 39 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%. Một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (58,29%), Tiền Giang (56,30% ), Long An (54,29%), Ngân hàng phát triển (100%), Ngân hàng nhà nước (63,38%), Ngân hàng chính sách xã hội (62,75%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (47,14%).

Có 40/52 Bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35% (tỷ lệ trung bình của cả nước), trong đó có 32 Bộ, cơ quan trung ương và 04 địa phương chi giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn.

Tiến độ một số dự án đầu tư công 2023

- Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang di dời. Ước giải ngân đến cuối tháng 6/2023 của các dự án này đạt 82,7% kế hoạch được giao. Đã có 4 dự án thành phân thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được khánh thành trong quý II/2023, với chiều dài 312 km…

- Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, 6 tháng đầu năm nay giải ngân đạt 45,8% kế hoạch năm 2023 được giao. 

- Nhiều dự án trọng điểm đã được khởi công xây dựng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đặc biệt là đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội…

+ Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn một) dài 53,7 km, quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 17.830 tỷ đồng. Công trình được chia làm ba dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần một và hai dài 34,2 km qua Đồng Nai, với kinh phí hơn 12.640 tỷ đồng. Đoạn còn lại thực hiện tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng đầu tư 5.190 tỷ đồng.

+ Vành đai 3 TP.HCM dài 76 km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, chia thành 8 dự án thành phần, hình thức đầu tư công. Tổng vốn đầu tư dự án là 75.300 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025 là 61.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 14.300 tỷ đồng.

+ Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, chia làm 7 dự án thành phần, trong đó ba dự án giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, ba dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và một dự án đầu tư xây dựng cao tốc theo phương thức PPP (đối tác công - tư). Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 85.800 tỷ đồng.

- Với Cảng hàng không Long Thành, các đơn vị tích cực triển khai các công việc để chuẩn bị khởi công trụ sở Cục Quản lý xuất nhập cảnh; đường lăn, đường cất hạ cánh; thân tháp không lưu và hai tuyến giao thông kết nối.

Xem thêm: 

Theo thanhnienviet

Phương Vũ (TH)

  • Facebook
  • Chia sẻ
Nhadat.cafeland.vn - Kênh mua bán nhà đất - bất động sản chính chủ hàng đầu Việt Nam