Có bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư? Chủ đầu tư hay cư dân sẽ có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư? Cùng tìm hiểu rõ hơn về những quy định bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư qua bài viết dưới đây.
Bảo hiểm cháy nổ chung cư là loại bảo hiểm bồi thường cho khách hàng khi có những tổn thất hoặc những thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Khi mua gói bảo hiểm này, nếu không may có tai nạn cháy nổ xảy ra, khách hàng sẽ được chi trả toàn bộ tổn thất tài sản trong phạm vi mà hợp đồng bảo hiểm đề cập đến.
Theo Điều 4 Nghị định 23/2018/NĐ-CP, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, trong đó có nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị.
Ngoài ra, theo mục 2 Phụ lục II Nghị định 136/2020/NĐ-CP, nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên là đối tượng thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Như vậy, nhà chung cư và toàn bộ tài sản liên quan đến nhà chung cư đều là đối tượng của bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Tuy nhiên, nếu thuộc 1 trong 3 trường hợp dưới đây, người dân dù muốn cũng không thể mua bảo hiểm cho căn hộ chung cư:
- Khu chung cư mới xây hoặc mới được sửa chữa, bảo dưỡng, thay đổi mục đích sử dụng mà chưa được nghiệm thu công tác phòng cháy chữa cháy.
- Khu chung cư không có biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy của các cơ quan có thẩm quyền, hoặc có nhưng là biên bản đã quá hạn (thời điểm kiểm tra phòng cháy chữa cháy gần nhất đã cách đây quá 1 năm).
- Khu chung cư đang bị đình chỉ xây dựng/ sử dụng do vi phạm công tác phòng cháy chữa cháy.
Mức phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc phải đóng
Theo Nghị định 97/2021/NĐ – CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 23/2018/NĐ-CP, tỷ lệ phí bảo hiểm cháy nổ được quy định:
- 0,05%/năm đối với chung cư có hệ thống chữa cháy tự động;
- 0,1%/năm đối với chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động.
Mức phí bảo hiểm cháy nổ thực tế phải đóng bằng tỷ lệ phí bảo hiểm nêu trên nhân với giá trị tài sản. Tức là, nếu một căn hộ chung cư có giá khoảng 1 tỷ đồng thì phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hàng năm là 550.000 đồng (đã bao gồm thuế GTGT).
Theo quy định tại Điều 11 Luật Nhà ở 2014, đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần có nghĩa vụ:
- Sử dụng nhà ở đúng mục đích quy định; lập và lưu trữ hồ sơ về nhà ở thuộc sở hữu của mình.
- Thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm vệ sinh, môi trường, trật tự an toàn xã hội theo quy định của pháp luật.
Do đó, nếu dự án chung cư vẫn do chủ đầu tư sở hữu thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ.
Ngược lại nếu người mua chung cư đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (dù chung cư chưa có Ban quản trị chính thức nhưng đã đi vào hoạt động) thì cư dân chung cư sẽ có trách nhiệm phải mua bảo hiểm cháy nổ phần nhà chung cư đã mua.
Như vậy, cư dân sẽ có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu riêng của mình và có trách nhiệm đóng góp chi phí mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung.
Theo Khoản 4 điều 1 Nghị định 97/2021/NĐ-CP bổ sung quy định mới về Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho bên mua bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
- Thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy).
- Địa chỉ tài sản được bảo hiểm.
- Tài sản được bảo hiểm.
- Số tiền bảo hiểm.
- Mức khấu trừ bảo hiểm.
- Thời hạn bảo hiểm.
- Tỷ lệ phí bảo hiểm, phí bảo hiểm.
- Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.
- Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung nêu trên.
Hành vi không mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 49 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
"Điều 49. Vi phạm quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đúng nguyên tắc, mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật;
b) Không cấp hoặc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không trích nộp phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để đóng góp kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật."
Như vậy, cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc mà không mua sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.
Tình hình cháy nổ 6 tháng đầu năm 2023Theo số liệu từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) 6 tháng đầu năm 2023 xảy ra 881 vụ cháy, làm chết 45 người, bị thương 43 người; về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 87,15 tỷ đồng và 149,08 ha rừng. Bên cạnh đó, xảy 05 vụ nổ làm 03 người chết và 10 người bị thương. Trong số các vụ cháy có 320 vụ xảy ra ở nhà dân (chiếm 33,6%); 124 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh (chiếm 13,4%); 99 vụ cháy phương tiện giao thông (chiếm 10,7%); 82 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh (chiếm 8,9%); 60 vụ cháy rừng (chiếm 6,5%); 24 vụ cháy chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa (chiếm 2,6%); 12 vụ cháy trụ sở làm việc (chiếm 1,3%); 11 vụ cháy chung cư (chiếm 1,2%); 04 vụ cháy cơ sở giáo dục (chiếm 0,4%); 03 vụ cháy quán bar, karaoke (chiếm 0,3%) và 142 vụ cháy các loại hình cơ sở khác (chiếm 16,1%). Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình cháy và thiệt hại do cháy gây ra vẫn tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh (xảy ra 402 vụ, chiếm 43,5% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (xảy ra 124 vụ, chiếm 13,4% tổng số vụ cháy). |
Xem thêm:
Phương Vũ (TH)