Các bước để làm lễ động thổ chuẩn phong thủy

Lễ động thổ là nghi thức quan trọng khi tiến hành xây dựng các công trình, nhà ở. Vậy theo phong thủy, các bước làm lễ động thổ được tiến hành thế nào?

Lễ động thổ là gì?

Theo văn hóa Việt Nam, lễ động thổ là nghi thức quan trọng trước khi khởi công xây nhà mới, xây dựng công trình. Tùy vào phong tục tập quán và văn hóa mà lễ cúng động thổ của mỗi vùng miền sẽ khác nhau. Nhưng lễ cúng động thổ dù diễn ra ở đâu cũng đều cùng mang một ý nghĩa chung. Thể hiện lóng tôn kính với các bậc bề trên, xin phép, báo cáo với Thổ Công, Thành Hoàng trong khu vực sắp có sự thay đổi ở mảnh đất này, mong các vị thần sẽ phù hộ cho quá trình thi công diễn ra thuận lợi, gia chủ mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, ấm êm, làm ăn phát đạt.

Ngoài ra, lễ cúng động thổ còn mang ý nghĩa báo cáo và xin phép các vong linh đang sống ở đó vui vẻ, hạnh phúc di chuyển đến nơi khác để việc xây dựng được tiến hành suôn sẻ, đúng tiến độ.

Nguồn gốc lễ động thổ

Theo sử sách của Trung Quốc ghi lại, lễ cúng động thổ đã có từ năm 113 trước Công nguyên. Vào năm Mậu Thìn, vua Hán Vũ thấy trước nay triều đình chỉ có tục tế Trời mà không có tục tế Đất nên đã họp lại nhằm bàn việc tổ chức Lễ Hậu Thổ tạ ơn Thần Đất hay còn gọi là Xã Tế.

Ngày xưa, Lễ động thổ hàng năm được tiến hành sau ngày mùng 3 tết. Động thổ phải có lễ cúng Thổ thần để trình xin bắt đầu động đến đất cho một Năm mới. Lễ động thổ là bắt đầu đào xới đất cát buổi đầu năm (một nghi thức trong nghề nông, có ý cầu mong cả năm làm ăn sẽ được thuận lợi).

Sau khi du nhập vào Việt Nam cùng với sự ảnh hưởng của Phật Giáo và nền văn hóa lâu đời của người Việt. Cúng động thổ đã trở thành nghi thức rất quan trọng, không thể thiếu mỗi khi xây dựng nhà cửa.

Chi tiết các bước tiến hành lễ động thổ chuẩn phong thủy

Bước 1: Xem ngày tốt để làm lễ động thổ

Theo Kiến trúc sư - Phong thủy sư Nguyễn Đức Hiếu, điều quan trọng nhất để chọn thời gian xây dựng tốt, là ngày đó phải tốt cho lô đất, để mọi hoạt động xây dựng trong quá trình thi công được suôn sẻ. Tiếp đến là thời gian đó phải tạo ra được bố cục phong thủy tốt cho ngôi nhà sau này, có như vậy thì mọi thành viên trong gia đình sẽ được hỗ trợ tốt nhất về phong thủy khi ở.

Sau cùng mới xét ngày đó tốt cho gia chủ, hoặc tốt với người cho mượn tuổi nếu gia chủ không hợp tuổi xây nhà. Ngoài ra, ngày động thổ cũng nên tốt cho chủ thầu trực tiếp xây dựng, để việc thi công được an toàn, đúng tiến độ, không bị hàng xóm, chính quyền làm khó dễ,…

"Khoảng cách thời gian từ khi làm nghi thức cúng động thổ đến lúc khởi công không nên chờ đợi quá lâu, tốt nhất là trong vòng 1 tháng từ khi cúng động thổ, là bắt đầu xây dựng ngay. Trường hợp thời gian bắt đầu xây dựng diễn ra lâu so với ngày động thổ, thì cần xem lại ngày phù hợp để làm lại lễ này. Vậy nên khi xem ngày tốt để động thổ, cần cân nhắc công tác chuẩn bị về: kinh phí, xin phép, bản vẽ, nguồn nhân lực, vật tư, thiết bị,… đã chuẩn bị sẵn sàng chưa, rồi mới chọn ngày tốt gần khoảng thời gian khởi công nhất có thể", chuyên gia phong thủy Nguyễn Đức Hiếu lưu ý.

Bước 2: Dọn dẹp mặt bằng thi công sạch sẽ

Trước khi làm lễ động thổ, nếu nhà bạn xây trên lô đất đã có nhà hiện hữu hoặc đất có cây xanh, cỏ rậm, gò đất,… bạn cần tháo dỡ, dọn dẹp để mặt bằng xây dựng trống, bằng phẳng. Đồng thời, những hạng mục phía dưới như nền tầng trệt, móng cũ, hầm phân cũ, cũng cần được đào lên sạch sẽ. Có ý kiến cho rằng, việc đào đất để lấy các hạng mục ngầm của nhà cũ, trước khi làm lễ động thổ là không nên, vì chưa đến ngày tốt nhất, chưa nên động vào đất.

Tuy nhiên, điều này không đáng ngại, bởi chỉ khi tổ chức nghi lễ cúng động thổ thì mới tính mốc thời gian này là quan trọng nhất. Để chỉnh chu hơn, có thể chọn thêm ngày tốt trước đó, tổ chức lễ hạ giải nhà cũ trước khi tiến hành công việc tháo dỡ. Sau khi tháo dỡ xong, ít nhất cần vài ngày để dương khí từ ánh sáng mặt trời chiếu xuống nền đất, nhằm loại bỏ đi âm khí, tạp khí của nơi xây dựng, rồi mới thực hiện nghi thức động thổ.

Bước 3: Chuẩn bị đồ cúng động thổ

Bạn cần chuẩn bị 1 cái bàn, 1 cái xẻng và lễ vật cơ bản như hình dưới đây.

Bước 4: Thực hiện nghi thức cúng động thổ

Bàn cúng được đặt giữa lô đất, nhìn về phía hướng cát thần. Gia chủ sắp xếp lễ vật đầy đủ, đến giờ tốt thì rót nước, rượu, thắp nến, nhang và khấn nguyện mong muốn của mình. Có thể tham khảo văn khấn sau đây.

Bước 5: Tiến hành động thổ

Sau khi thực hiện lễ cúng động thổ, gia chủ sẽ thực hiện công việc đào đất, động vào đất. Nhiều người vẫn còn giữ thói quen đào đất ở 4 góc nhà và giữa nhà, tuy nhiên cách làm này không khuyến khích trong phong thủy chính phái. Nguyên tắc đào đất khi động thổ là phải đào ở phương vị tốt để cái tốt được lan tỏa, nếu động phải vị trí xấu thì kết quả hoàn toàn ngược lại, cái xấu sẽ bùng lên.

Thực tế, hành động đào đất 4 góc nhà chỉ có thể làm khi thi công trên lô đất nhỏ, còn những khi thi công trên các dự án lớn, khu đô thị rộng, thì việc làm này rất bất tiện. Đào đất phải đảm bảo có chiều sâu tương đối, tốt nhất nên sâu hơn 20cm. Trong lúc đào, tay đang đào nhưng trong đầu nên tâm niệm những gì tốt đẹp cho công việc thi công sắp tới.

Bước 6: Hoàn thành việc động thổ

Sau khi nhang hương đã cháy hết, các lễ vật: nước, rượu, muối, gạo, sẽ được rải ra phía trước đường. Vàng mã đốt nơi thích hợp, luôn kiểm soát trong quá trình đốt để tránh cháy lan, tránh gây ảnh hưởng đến các nhà xung quanh.

"Sau lễ cúng động thổ, gia chủ nên đem ít quà, có thể là thức ăn trên mâm cúng để qua nhà hàng xóm báo trước việc thi công sắp tới: trong quá trình làm nếu có gây ảnh hưởng về tiếng ồn, bụi bặm,… thì mong mọi người thông cảm. Một trong những thành công của việc xây nhà, là vẫn giữ được sự hòa thuận đối với láng giềng xung quanh", chuyên gia phong thủy Hiếu chia sẻ thêm.

Trên đây là các bước tiến hành làm lễ cúng động thổ với sự tư vấn của Kiến trúc sư - Phong thủy sư Nguyễn Đức Hiếu, bạn đọc có thể tham khảo!

Xem thêm:

>> Lễ nhập trạch là gì? Thủ tục làm lễ nhập trạch

Theo thanhnienviet

Phương Vũ

  • Facebook
  • Chia sẻ
Nhadat.cafeland.vn - Kênh mua bán nhà đất - bất động sản chính chủ hàng đầu Việt Nam