Xây nhà làm ảnh hưởng tới nhà liền kề, xử phạt thế nào?

Ở khu vực đô thị, nhà cửa thường xây dựng san sát, liền kề nhau nên khi hàng xóm sửa nhà hoặc xây mới chắc chắn sẽ có ảnh hưởng ít nhiều. Công trình càng lớn thì sẽ ảnh hưởng càng nhiều. Không chỉ bụi bặm, tiếng ồn làm phiền trong thời gian dài, vấn đề đáng lo ngại hơn là nhà cửa có thể bị hư hại, thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng độ bền kết cấu.

Các trường hợp xây nhà làm ảnh hưởng đến nhà liền kề

- Xây nhà làm nứt tường, nứt vách, gây thấm nước, dột nhà liền kề.

- Xây nhà dựng tường làm hở dầm móng, ảnh hưởng đến liên kết giữa tường và đất nền nhà liền kề.

- Làm vỡ, nứt, đứt đường ống nước và đường dây điện nhà liền kề.

- Xây nhà làm móng gây sụt lún, đội lên, làm nghiêng hoặc lún nhà bên cạnh.

- Máy móc thiết bị làm ổn nghiêm trọng hoặc vật liệu xây dựng rơi vương vãi.

Khi xây dựng nhà ở, công trình cần đảm bảo an toàn cho công trình liền kề. Ảnh minh họa

Xử phạt khi xây nhà làm ảnh hưởng đến nhà liền kề

Theo quy định của pháp luật, khi xây nhà cần phải đảm bảo vấn đề an toàn trong xây dựng, đảm bảo độ cao của công trình, khoảng cách giữa các nhà, không được xâm phạm quyền sở hữu bất động sản liền kề và không được lấn chiếm phần đất thuộc quyền sở hữu của người khác.

Khi xảy ra vi phạm, tổn thất, bạn sẽ phải chịu mức phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Mức phạt này phụ thuộc vào tình trạng và mức độ ảnh hưởng của nhà liền kề. Cụ thể, những trường hợp xây nhà làm ảnh hưởng đến nhà liền kề sẽ bị xử phạt như sau:

- Đối với nhà ở riêng lẻ tại vùng nông thôn, phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

- Đối với các công trình xây dựng tại khu đô thị, phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu khi vi phạm.

- Đối với các công trình xây dựng có báo cáo kinh tế, kỹ thuật và những công trình có lập dự án đầu tư, phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.

Trong trường hợp xây dựng nhà ở gây nguy cơ sụp đổ các công trình lân cận, hoặc ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạnh của người khác thì người vi phạm sẽ phải chịu trách niệm về dân sự. Mức bồi thường sẽ do hai bên tự thoả thuận. Nếu hai bên không thể thống nhất thì Toà án nhân dân các cấp sẽ can thiệp và giải quyết.

Làm thế nào để đảm bảo an toàn khi thi công công trình?

Tuân thủ các quy định của pháp luật trong xây dựng: bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.

Khảo sát kỹ địa chất nơi xây dựng: Trước khi xây dựng nhà ở hay bất kỳ một công trình bất động sản nào, chủ đầu tư cần khảo sát địa chất nơi xây dựng và lập hồ sơ chi tiết. Trong quá trình xây dựng, cần có một đơn vị giám sát và theo dõi tình hình để tránh những vấn đề bất thường không may có thể xảy ra.

Giải pháp làm móng phù hợp: Móng nhà là một trong những yếu tố quan trọng nhất cần được lưu ý khi tiến hành xây nhà. Để tránh gây ra những vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng tới kết cấu, chất lượng công trình đang xây dựng cũng như các công trình liền kề, đơn vị thi công cần lựa chọn giải pháp đào móng và gia công móng phù hợp.

Có biện pháp che chắn, bảo vệ môi trường: Khi xây dựng nhà ở, đơn vị thi công xây dựng cần thực hiện các biện pháp che chắn và bảo vệ môi trường nhằm tránh làm rơi vãi các vật liệu xây dựng sang nhà, khu vực liền kề. Trường hợp vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Phương Vũ (TH)

  • Facebook
  • Chia sẻ
Nhadat.cafeland.vn - Kênh mua bán nhà đất - bất động sản chính chủ hàng đầu Việt Nam