Tăng mức xử phạt, người dân cần làm gì để hợp thức hóa nhà không phép, trái phép?

Nghị định số 16/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/1/2022 thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, các hành vi xây nhà không phép, trái phép bị tăng nặng mức phạt. Vậy thủ tục để người dân hợp thức hóa nhà ở không phép, trái phép ra sao?

Mức phạt từng trường hợp vi phạm cụ thể như sau: (đơn vị: triệu đồng)

Sai phạm

Nhà ở riêng lẻ tại đô thị

Nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, di tích lịch sử, văn hóa

Công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng

Thi công xây dựng không có GPXD mà theo quy định phải có

Mức phạt cũ: 20 – 30

 

Mức phạt cũ: 10 - 20

 

Mức phạt cũ: 30 – 50

 

Mức phạt mới: 60 – 80

Mức phạt mới: 80 – 100

Mức phạt mới:120 – 140

Thi công xây dựng sai nội dung GPXD được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo

Mức phạt cũ:3 - 5

Mức phạt cũ: 5 - 10

Mức phạt cũ: 20 - 30

Mức phạt mới: 15 - 20

Mức phạt mới: 25 - 30

Mức phạt mới: 70 - 90

Thi công xây dựng công trình sai nội dung GPXD được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới

Mức phạt cũ: 10 - 20

Mức phạt cũ: 20 - 30

Mức phạt cũ: 30 - 50

Mức phạt mới: 30 - 40

Mức phạt mới: 50 - 70 

Mức phạt mới: 100 - 120

Đặc biệt, nghị định cũ chỉ quy định xử phạt hành vi xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ ở đô thị không có giấy phép xây dựng. Còn nghị định mới quy định xử phạt chung cho cả đô thị và nông thôn đối với hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng.

Về việc xử phạt hành vi đã lập biên bản vi phạm hành chính mà tổ chức, cá nhân tiếp tục vi phạm, nghị định mới đã bổ sung quy định về việc cá nhân, tổ chức tiếp tục vi phạm trước khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, tăng mức phạt tối thiểu từ 5 triệu đồng lên 100 triệu đồng và tối đa 350 triệu đồng lên 500 triệu đồng.

Nhà xây không phép, trái phép có thể không bị phá dỡ:  Căn cứ Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, nhà xây không có giấy phép xây dựng (không phép), xây không đúng nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trái phép) sẽ không bị phá dỡ nếu thuộc trường hợp đủ điều kiện cấp phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng sẽ có thời gian “hợp thức hóa”.

Sau khi có giấy phép xây dựng đối với trường hợp nhà xây không phép hoặc có giấy phép xây dựng điều chỉnh đối với trường hợp nhà xây trái phép mà hiện trạng nhà ở đó phù hợp giấy phép xây dựng thì không bị phá dỡ.

Lưu ý: Chỉ áp dụng đối với nhà ở đang thi công xây dựng (hành vi vi phạm chưa kết thúc).

Thời hạn hợp thức hóa nhà ở xây không phép: Trước ngày 28/01/2022 nhà ở xây dựng không phép, trái phép sẽ có thời hạn 60 ngày để hợp thức hóa (theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP). Tuy nhiên, hiện nay thời hạn hợp thức hóa đã được rút ngắn xuống còn 30 ngày.

Khoản 1 Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định đối với nhà ở xây không phép, trái phép mà thuộc trường hợp có đủ điều kiện hợp thức hóa thì người có thẩm quyền có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình.

Trong thời hạn đang đề nghị làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh mà tiếp tục thi công (tái phạm) sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 120 - 140 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ.

- Phạt tiền từ 140 - 160 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

*Điều kiện hợp thức hóa nhà ở xây không phép (theo khoản 16 Điều 16 và khoản 1 Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP)

- Đang thi công xây dựng.

- Đáp ứng đủ điều kiện được cấp giấy phép xây dựng.

* Điều kiện hợp thức hóa nhà ở xây dựng trái phép

- Đang thi công xây dựng.

- Thuộc một trong các trường hợp được điều chỉnh giấy phép xây dựng nhà ở.

Hồ sơ hợp thức hóa nhà ở xây không phép

Người vi phạm chuẩn bị 02 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

- Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật đất đai như Sổ đỏ, Sổ hồng,…

- 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng kèm theo Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC kèm theo bản vẽ thẩm duyệt trong trường hợp pháp luật về PCCC có yêu cầu; báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng trong trường hợp pháp luật xây dựng có yêu cầu, gồm:

+ Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất kèm theo sơ đồ vị trí của công trình.

+ Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình xây dựng.

+ Bản vẽ mặt bằng móng và mặt cắt móng kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình gồm cấp, thoát nước, cấp điện.

+ Trường hợp nhà ở có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề đó.

- Giấy tờ chứng minh đã hoàn thành việc nộp phạt vi phạm hành chính.

* Hồ sơ hợp thức hóa nhà ở xây trái phép

Người vi phạm chuẩn bị 02 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:

- Đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

- Bản chính giấy phép xây dựng đã cấp.

- 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ thiết kế xây dựng điều chỉnh triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt theo quy định, gồm:

+ Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất kèm theo sơ đồ vị trí công trình.

+ Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình.

+ Bản vẽ mặt bằng móng và mặt cắt móng kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình gồm cấp nước, thoát nước, cấp điện.

+ Đối với nhà ở có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

- Giấy tờ chứng minh đã hoàn thành việc nộp phạt vi phạm hành chính (biên lai, chứng từ nộp phạt).

Thủ tục Hợp thực hóa nhà ở xây dựng không phép, trái phép

- Điều chỉnh giấy phép xây dựng:

Người vi phạm nộp hồ sơ (như trên) tại Trung tâm phục vụ hành chính công hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của UBND cấp huyện. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, yêu cầu người vi phạm bổ sung hồ sơ nếu chưa đủ.

Trường hợp đã bổ sung nhưng vẫn không đáp ứng được, trong 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh.

Trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp phép sẽ cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh.

- Sau khi có giấy phép xây dựng điều chỉnh:

Theo quy định mới, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm phải xuất trình giấy phép xây dựng điều chỉnh cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

- Trong thời hạn tối đa 05 ngày kể từ ngày người vi phạm xuất trình giấy phép xây dựng điều chỉnh, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình xây dựng, lập biên bản ghi nhận sự phù hợp của hiện trạng công trình với giấy phép xây dựng điều chỉnh.

- Người vi phạm chỉ được xây dựng tiếp nếu biên bản ghi nhận sự phù hợp của hiện trạng công trình với giấy phép xây dựng điều chỉnh.

- Trường hợp hiện trạng nhà ở không phù hợp với giấy phép xây dựng điều chỉnh thì trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày lập biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình, người có hành vi vi phạm buộc phá dỡ công trình, phần công trình không phù hợp; nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ.

Như vậy, ngay cả khi được cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh và xuất trình đúng thời hạn thì vẫn bị phá dỡ công trình, phần công trình nếu không phù hợp với giấy phép xây dựng điều chỉnh.

Phương Vũ (TH)

  • Facebook
  • Chia sẻ
Nhadat.cafeland.vn - Kênh mua bán nhà đất - bất động sản chính chủ hàng đầu Việt Nam