Sau thời gian giãn cách, đến nay khi được dự báo về lạm phát, nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn cho dòng tiền nên tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản. Thậm chí, tình hình mua bán diễn ra nhanh chóng như mua "mớ rau".
Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, không thuận lợi để kinh doanh nên nhiều nhà đầu tư chọn bất động sản là kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền. Hiện nay, nhà đầu tư đang đổ về vùng ven Thủ đô săn đất khiến giá bất động sản cũng tăng mạnh.
Mới đây, sau khi có thông tin đề xuất chủ trương phát triển huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn lên thành phố. Ngay lập tức, thông tin nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt giới đầu tư bất động sản quan tâm tới để tìm cơ hội đón sóng.
Theo khảo sát, tại huyện Đông Anh đất phân lô trong khu dân cư tại xã Vân Nội đang được rao bán với mức giá từ 30 - 40 triệu đồng/m2, tại xã Nam Hồng, Tiên Dương những mảnh đất gần đường quốc lộ 23B đang được rao bán với mức giá khoảng 50 triệu đồng/m2, tại mặt đường ngõ cũng đang được giao dịch với giá từ 30 - 35 triệu đồng/m2.
Tại xã Vân Canh, những mảnh đất ven sông Hồng trước đây chỉ dao động từ 15 - 18 triệu đồng/m2 thì nay có những mảnh đã chạm mức 30 triệu đồng/m2. Những mảnh đất trong ngõ rộng 4m trước đây có giá khoảng 20 triệu đồng/m2 thì nay cũng tăng lên tới 30 - 35 triệu đồng/m2.
Anh Nguyễn Văn Hợp - môi giới bất động sản tại Đông Anh cho biết, kể từ khi có thông tin đề xuất lên phố tới nay, nhiều khu vực tại Đông Anh giá đất đã tăng từ 20 - 30%.
“Trong mấy năm gần đây, bất động sản ở Đông Anh vẫn luôn được các nhà đầu tư chú ý tới. Mặc dù trước đó giá đã cao nhưng sau khi có thông tin đề xuất lên thành phố thì giá đất tiếp tục tăng ở một số khu vực giá còn thấp, còn những khu vực đang cao như đường Cao Lỗ (xã Nộ Uy) có những mảnh đã lên tới gần 300 triệu đồng/m2 thì tăng không đáng kể”, anh Hợp nói.
Tương tự, tại huyện Sóc Sơn, các xã Hiền Ninh, Minh Phú, Minh Trí..., đất sổ đỏ trong khu dân cư được rao bán từ 10 - 14 triệu đồng/m2, trong khi đó, thời điểm giữa năm chỉ dao động từ 4 - 8 triệu đồng/m2. Tại khu vực gần hồ Anh Bé, Ban Tiện, Long Mỹ ( xã Minh Phú), thời điểm giữa năm là từ 1 - 3 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 2 - 6 triệu đồng/m2.
Còn tại Mê Linh, giá đất trong thời gian gần đây cũng có biến động mạnh. Đơn cử, tại xã Tiền Phong, những mảnh đất gần dự án Cienco 5, giá đất thổ cư pháp lý đầy đủ cũng tăng từ mức 13 - 23 triệu đồng lên đến 21 - 40 triệu đồng/m2.
Không chỉ ở khu vực đề xuất lên thành phố, thời gian qua giá đất tại huyện Thanh Oai cũng có biến động mạnh. Đơn cử, phiên đấu giá được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua tại khu đấu giá đất Rặng Sắn (xã Cao Dương), sau khi trúng nhiều nhà đầu tư sang tay chênh từ 400 - 500 triệu đồng/lô đất. Thậm chí, môi giới còn giao hẹn với nhà đầu tư chốt ngay trong ngày, nếu không sẽ bán luôn cho người khác.
Theo anh Hải Nam - nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ: “Tại khu đấu giá Rặng Sắn, sau khi kết thúc người trúng còn kê bàn ngay tại khu đất để bán. Giá chênh tại chỗ thường từ 400 - 500 triệu đồng so với giá trúng nhưng vẫn nhiều người nháo nhác mua. Sau khi xem đất xong môi giới còn khẳng định chắc nịch với tôi nếu trong hôm nay không chốt thì sẽ bán ngay cho người khác. Thấy tình hình giá đẩy lên cao tôi không mua”.
Nhà đầu tư đang săn đất chờ đón sóng đầu năm.
Theo anh Nam, hiện nay nhiều nhà đầu tư không thể kinh doanh ở lĩnh vực khác, cộng thêm tâm lý lo sợ lạm phát nên những người sẵn tiền đang “lùng sục” đi săn đất đầu tư. Bên cạnh đó, hiện nay đã vào dịp đầu tư cuối năm chờ đón sóng ở năm mới nên có tâm lý các nhà đầu tư cố mua bằng được.
“Nhiều người đang có tiền sẵn không thể kinh doanh được do ảnh hưởng từ dịch nên đầu tư vào đất chờ đón sóng đầu năm tới. Nên có tình trạng mua đất như mua mớ rau, cố mua bằng được. Nhưng chính tâm lý này làm cho thị trường đẩy giá lên nhanh sẽ rất dễ gặp rủi ro khi giá không phù hợp với hạ tầng. Nếu mua cao quá rất có thể nhà đầu tư sẽ bị chôn vốn thời gian dài”, nhà đầu tư này nhận định.
Tuấn Minh (Nhịp sống kinh tế)