Với khoản tiền 2 tỷ đồng, mua chung cư sẽ là lựa chọn của rất nhiều người. Tuy nhiên, cặp vợ chồng trẻ này lại chấp nhận đi thuê trọ chờ thời cơ mua nhà mặt đất.
Lý do vợ chồng này đưa ra là: Thứ nhất, nếu dốc hết tiền mua nhà, anh chị sẽ không còn vốn làm ăn; thứ 2, với dòng tiền 2 tỷ đồng, vợ chồng anh chị khó mua được nhà mặt đất đẹp đúng như mong muốn.
Cưới nhau năm 2016, vợ chồng anh Nam chị Hằng ở Thanh Xuân, Hà Nội được bố mẹ chồng chia cho một mảnh đất rộng 35m2 để xây nhà ở. Tuy nhiên, thấy vị trí mảnh đất ở trong hẻm, ô tô không vào được nên sau khi cân nhắc, anh chị quyết định bán với giá 2 tỷ đồng, lấy vốn làm ăn để sau có cơ hội mua nhà lớn hơn. Tạm thời trước mắt, anh chị chấp nhận đi thuê trọ.
Chị Hằng làm kế toán trong một doanh nghiệp nước ngoài, lương tháng được 20 triệu; chồng chị làm nhân viên kinh doanh thu nhập trung bình mỗi tháng được 25 triệu. Tháng 8/2016, sau khi bán mảnh đất bố mẹ cho, anh chị về Hà Đông mua một mảnh đất dịch vụ rộng 40m2 hết 2,3 tỷ đồng rồi thuê một căn chung cư với giá 6 triệu đồng/tháng để ở.
>> Vợ chồng trẻ bán nhà quê lên phố, trớ trêu 'ở không được, về không xong'
Ảnh minh họa
Một năm sau gặp khách, anh chị bán mảnh đất ấy với giá 2,9 tỷ đồng. Không muốn để tiền trong ngân hàng, hai người dồn thêm tiền tiết kiệm mua hai mảnh đất dịch vụ ở Ngọc Hồi, mỗi mảnh 50m2 với giá 1,6 tỷ đồng.
Cuối năm 2018, chị Hằng sinh con đầu lòng. Muốn diện tích sinh hoạt rộng dãi hơn, anh chị thuê một căn chung cư rộng 80m2 với giá 10 triệu đồng/tháng.
“Thu nhập của hai vợ chồng tuy được 50 triệu/tháng nhưng tính ra cũng chỉ đủ chi tiêu. Mình với chồng coi hai mảnh đất kia chính là vốn để dành nên cũng không quá lo khoản tích lũy dự phòng. Bố mẹ hai bên thấy vợ chồng mình thuê trọ một tháng hết chục triệu cũng sốt ruột, giục hai đứa mua chung cư. Nhưng thực sự cả mình và chồng đều muốn mua nhà đất. Thà chấp nhận đi thuê một thời gian, dồn tiền làm ăn tới khi dòng tiền lớn hơn sẽ mua nhà mặt đất khoảng trên dưới chục tỷ.
Quan trọng hơn, mình so sánh giữa thuê nhà và mua nhà thì thấy thuê nhà sẽ rẻ hơn mua nhà. Thời điểm đó thuê nhà rất dễ, giá cũng mềm. Tiền vốn mình dành kinh doanh bất động sản sinh lời sẽ tốt hơn”, chị Hằng chia sẻ.
Tháng 9/2019, một đồng nghiệp cùng cơ quan chị Hằng rao bán mảnh đất 4,3 tỷ ở Hoàng Mai. Thấy mảnh đất đẹp, vợ chồng chị quyết định bán hai mảnh đất ở Ngọc Hồi được gần 4 tỷ đồng, cộng thêm tiền tiết kiệm để lấy mảnh đất đó.
Tới tháng 3/2020, qua người quen giới thiệu, anh chị tìm được căn nhà mặt phố rộng 65m2, 4 tầng, mặt tiền 4,5m, nở hậu rất ưng ý với giá 8 tỷ. Ban đầu, hai vợ chồng cũng đắn đo vì thực tế tài sản chỉ có mảnh đất ở Hoàng Mai. Tuy nhiên, không muốn mất cơ hội, anh chị quyết định rao bán mảnh đất đó với giá 5,6 tỷ đồng, còn lại vay ngân hàng 2,4 tỷ đồng với lãi suất 8%/năm, vay trong vòng 5 năm. Tính ra, mỗi tháng cả gốc cả lãi hai vợ chồng phải trả 59,2 triệu đồng.
Chị Hằng cho hay, để tập trung kinh tế lo trả nợ ngân hàng, anh chị phải lên kế hoạch chi tiêu cụ thể cho từng tháng, tối giản hết mức các khoản chi.
“Thời điểm mua nhà, mình vẫn còn 6 tháng hợp đồng thuê nhà. Để tập trung tài chính lo trả nợ, mình cho người thuê lại căn hộ đó đúng bằng giá mình thuê. Dọn về nhà mới, vợ chồng mình chỉ sử dụng tầng 3, 4, còn lại hai tầng dưới mình cũng cho thuê làm cửa hàng thời trang với giá 40 triệu/tháng. Với thu nhập hiện tại của hai vợ chồng, cùng với tiền cho thuê nhà thì việc trả nợ ngân hàng cũng không quá áp lực.
Mình sẽ cố gắng tất toán trong vòng 3 năm, khi đó vợ chồng mình sẽ sửa lại nhà. Hoặc không, đợi vài năm công việc làm ăn thuận lợi, dành ra được nhiều vốn hơn, vợ chồng mình sẽ bán căn nhà đó để mua biệt thự liền kề đúng như mơ ước của cả hai”, chị Hằng chia sẻ.
>> Vốn 200 triệu: Vợ chồng trẻ giữ được mảnh đất 100m2 mà tiền vẫn đẻ ra tiền
Thu Giang (Vietnamnet)