Gò Vấp từ một quận vùng ven giờ đây trở thành một trong những quận được xem là trung tâm của TP.HCM. Cũng như một số khu vực khác ở TP.HCM giá bất động sản quận này cũng tăng chóng mặt trong những năm gần đây và trở thành một trong những khu vực có giá bất động sản đắt đỏ.
Không ít nhận định cho rằng bất động sản Gò Vấp vẫn tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư. Vậy, cần lưu ý gì khi quyết định đầu tư nhà đất Gò Vấp?
Quận Gò Vấp có nhiều lợi thế về vị trí và hạ tầng giao thông cũng như tiện ích sẵn có.
Về vị trí, quận Gò Vấp có diện tích gần 2.000ha, nằm về phía Bắc và Tây Bắc TP.HCM. Phía Bắc quận Gò Vấp giáp quận 12, Nam giáp quận Phú Nhuận, Tây giáp quận 12 và quận Tân Bình, Đông giáp quận Bình Thạnh. Gò Vấp cách trung tâm thành phố khoảng 30 phút chạy xe, nằm gần kề với các đầu mối giao thông quan trọng như sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe Miền Đông.
Về hạ tầng giao thông quận Gò Vấp được đầu tư khá đồng bộ, nhiều tuyến đường được mở rộng, giúp giảm tình trạng ách tắc giao thông như Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm, Quang Trung, Phan Văn Trị,…
Đặc biệt, cầu vượt chữ Y tại điểm giao ngã sáu Gò Vấp và cầu nút chữ N giao thông Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn đã hoàn thành và sớm đưa vào hoạt động, góp phần làm giảm tải áp lực giao thông kéo dài trong nhiều năm qua.
Ngoài ra, Gò Vấp còn có đại lộ Phạm Văn Đồng, thông xe toàn tuyến, kết nối phía Tây, phía Bắc thành phố đến quốc lộ 1A, 1K với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai.
Bên cạnh đó, khu vực này còn có một loạt dự án đang và sắp được triển khai như tuyến monorail số 3 từ ngã sáu Gò Vấp đến công viên phần mềm Quang Trung, ga Tân Thới Hiệp, xây mới cầu Hang Ngoài, mở rộng mặt đường Nguyễn Văn Nghi và đường Lê Quang Định đoạn dài 650m, sau mở rộng lên 25m, hướng từ đường Nguyễn Thái Sơn đến đường Phạm Văn Đồng. Mở rộng và nâng cấp đường Lương Ngọc Quyến (đoạn từ Phan Văn Trị đến Rạch Lăng) dài 500m, rộng 16m,…
Đầu tư mua nhà đất quận Gò Vấp, nhu cầu về giáo dục, y tế, mua sắm, vui chơi giải trí… của bạn cũng sẽ được đáp ứng. Tại đây có hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại như: Lotte Mart, Emart, Vincom Quang Trung, Co.op Mart, Big C,…
Khu vực này còn có hệ thống 137 trường học các cấp, trường quốc tế, trường Đại học, hệ thống bệnh viện Gò Vấp, bệnh viện 175, hệ thống công viên xanh như Gia Định, công viên làng hoa Gò Vấp,…
Ngoài ra, nhờ lợi thế địa hình gò đồi cao, nên các công trình nhà đất quận Gò Vấp ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề ngập nước.
Vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ cùng nhiều tiện ích là những lợi thế mà bạn có thể cân nhắc khi đầu tư nhà đất Gò Vấp. Bạn có thể chọn đây làm nơi an cư, đầu tư cho thuê nhà trọ, đầu tư nhà phố kinh doanh hoặc sang tay kiếm lời.
Khi quyết định đầu tư nhà đất Gò Vấp, bạn cũng cần tìm hiểu về quy hoạch khu vực này. Bạn có thể đến trực tiếp UBND quận để hỏi về khu đất định đầu tư hoặc xem thông tin trên Cổng thông tin điện tử,…
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng theo Quyết định 6705/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của UBND TP.HCM, quận Gò Vấp được định hướng phát triển theo 2 cụm đô thị, chia thành 4 khu vực:
Cụm 1: Là cụm đô thị trung tâm hành chính, văn hóa, dịch vụ, thương mại. Khu vực này chịu ảnh hưởng trực tiếp của sân bay Tân Sơn Nhất nên quy hoạch không gian sẽ bị hạn chế phát triển về chiều cao.
– Khu vực 1: Gồm các phường 1, 3, 4, 5 và 7, là khu vực đô thị chỉnh trang với trung tâm phát triển sẽ là khu vực đất quốc phòng chuyển đổi, các khu vực chỉnh trang đô thị dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng và đường Dương Quảng Hàm (tại phường 5).
– Khu vực 2: Gồm các phường 10, 17 và phường 6 (là phường mới, tách ra từ phường 17). Đây vẫn là khu vực trung tâm quận bao gồm trung tâm hành chính, văn hóa đã hình thành và trung tâm đô thị mới, thương mại, dịch vụ… sẽ được hình thành từ đất quốc phòng chuyển đổi (tại phường 10).
Cụm 2: Là cụm đô thị ở, quy hoạch cải tạo, phát triển tầng cao.
– Khu vực 3: Gồm phường 11 (có điều chỉnh ranh), 13, 15, 16. Đây là khu vực đô thị ở với trung tâm là khu đô thị mới Ấp Doi tại phường 15.
– Khu vực 4: Gồm phường 12 (điều chỉnh lại ranh), phường 8, 9 (là phường mới tách ra từ phường 11 và 12) và phường 14 (tách ra từ phường 12). Đây là khu dân cư mới chú trọng quy hoạch cải tạo xây dựng, trung tâm phát triển sẽ là khu đô thị phường 14 dọc sông Bến Cát với quỹ đất phát triển là đất nông nghiệp và công nghiệp di dời, chuyển đổi.
Về tình hình nhà đất quận Gò Vấp hiện nay, tuy là khu vực có diện tích lớn nhưng quỹ đất trống hiện khá hiếm. Cùng với việc siết dự án nhà ở cao tầng nên việc phát triển những dự án mới tại quận này không diễn ra sôi động như các quận huyện khác.
Một số loại hình kinh doanh bất động sản đang diễn ra tại thị trường nhà đất Gò Vấp như chuyển nhượng thứ cấp nhà phố, nhà liên kế, biệt thự, căn hộ; chuyển nhượng đất đô thị hay cho thuê văn phòng mini, nhà trọ giá rẻ, ký túc xá sinh viên.
Theo số liệu từ Mogi, thị trường nhà đất quận Gò Vấp hiện khá ổn định, không có sự tăng nóng như một số khu vực khác mà còn có xu hướng giảm ở một số loại hình.
Mức giá trung bình nhà đất Gò Vấp ở một số loại hình trong tháng 10/2020 như sau: Mặt tiền, phố có mức giá 125 triệu đồng/m2, giảm 2,1%; giá căn hộ giao dịch quanh mức 31,6 triệu đồng/m2, giảm 2,8%; phân khúc đất nền giao dịch ở mức 50,8 triệu đồng/m2, giảm 6,4%. Riêng nhà trong hẻm, ngõ có mức giá ổn định ở mức 88,4 triệu/m2, tăng 0,7%.