Khám phá điểm tham quan lịch sử Địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi là điểm du lịch khám phá thú vị khi đến tham quan TP.HCM mà du khách không thể bỏ qua. Đây là Di tích Quốc gia đặc biệt, mang ý nghĩa văn hóa lịch sử của nước ta.

Giới thiệu về Địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi ở đâu?


Địa đạo Củ Chi nằm ở đường Tỉnh lộ 15, ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM, cách trung tâm thành phố khoảng 70km. Đây là một điểm tham quan du lịch có giá trị về lịch sử, văn hóa là điểm du lịch hấp dẫn gắn liền với những công trình quân sự nổi tiếng tại Việt Nam. 

Địa đạo Củ Chi là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm…

Hiện nay, Địa đạo Củ Chi được bảo tồn ở hai địa điểm:

- Địa đạo Bến Dược (căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định) tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM, được Bộ Văn hóa công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia theo Quyết định số 54/VHQĐ ngày 29/4/1979.

- Địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy Củ Chi) tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM, được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT ngày 15/12/2004.

 

Lịch sử Địa đạo Củ Chi

Lịch sử địa đạo Củ Chi gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp, giai đoạn năm 1945 – 1954. Công trình được thực hiện bởi quân và dân xã Tân Phú Trung và xã Phước Vĩnh An nhằm ẩn nấp, cất giữ vũ khí, quân tư trang. 

Ở Củ Chi, địa đạo có sớm nhất vào năm 1948 ở hai xã: Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Lúc đầu chỉ có những đoạn ngắn cấu trúc đơn giản dùng để cất giấu tài liệu, vũ khí, trú ém cán bộ hoạt động trong vùng địch hậu. Về sau lan rộng ra nhiều xã. Từ năm 1961 đến năm 1965 cuộc chiến tranh du kích của dân nhân ở Củ Chi đã phát triển mạnh, gây cho địch những tổn thất lớn, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Sáu xã phía bắc huyện Củ Chi đã hoàn chỉnh đường địa đạo “xương sống”. Sau đó, các cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với đường “xương sống”, thành hệ thống địa đạo liên hoàn.

Từ năm 1961 – 1965, công trình này được phát triển ra thành nhiều nhánh thông với nhau. Phía trên của công trình này còn được trang bị với rất nhiều hố đinh, hầm chuông, bãi mìn… phục vụ cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta. 

Cấu trúc địa đạo

Hệ thống địa đạo chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, từ đường “xương sống” (đường chính) tỏa ra vô số nhánh dài ngắn, ăn thông với nhau, hoặc độc lập chấm dứt tùy theo địa hình. Có nhiều nhánh trổ ra sông Sài Gòn, để khi bị tình thế nguy kịch, có thể vượt qua sông sang vùng căn cứ Bến Cát (Bình Dương).

Đường hầm không sâu lắm nhưng chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép, những đoạn nằm sâu chống được bom cỡ nhỏ. Có những đoạn được cấu trúc từ hai đến ba tầng (tầng trên gọi là “thượng”, tầng dưới gọi là “trầm”). Chỗ lên xuống giữa các tầng, có nắp hầm bí mật. Trong địa đạo có những nút chặn những điểm cần thiết để ngăn chặn địch hoặc chất độc hóa học do địch phun vào. Có những đoạn hẹp, phải thật gọn nhẹ mới chui qua được. Dọc theo đường hầm có lỗ thông hơi bên trên được ngụy trang kín đáo và trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật. Vô số cửa được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ súng bắn tỉa rất linh hoạt. Đây chính là chỗ bất ngờ với quân địch. Dưới những khúc địa đạo ở khu vực hiểm yếu, có đặt hầm chông, hố đinh, cạm bẫy…

Xung quanh cửa hầm lên xuống được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái (gọi là tử địa), có cả mìn lớn chống tăng và mâm phóng bom bi chống máy bay trực thăng đổ chụp, nhằm tiêu diệt ngăn chặn quân địch tới gần.

Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi sau khi chiến đấu, mắc võng được. Có các nơi dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, nước uống, có giếng nước, bếp Hoàng Cầm (bếp giấu khói trong đất), hầm làm việc của các vị lãnh đạo, chỉ huy, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh, hầm chữ A vững chắc cho phụ nữ, người già, trẻ em trú ẩn. Có những hầm lớn, mái lợp thoáng mát, bên trên ngụy trang khéo léo để hội họp, chiếu phim, biểu diễn văn nghệ…

Cách di chuyển đến Địa đạo Củ Chi

Cách trung tâm TP.HCM khoảng 70km, để đến Địa đạo Củ Chi du khách có thể di chuyển bằng nhiều loại phương tiện:

- Phương tiện cá nhân: Xe máy, xe ô tô tự lái là lựa chọn thuận tiện và tiết kiệm cho bạn. Từ trung tâm TP.HCM, bạn sẽ đi theo hướng đến ngã tư An Sương, theo quốc lộ 22 và đến địa phận Củ Chi. Đường đi rất dễ và bạn có thể theo hướng dẫn của chị Google Maps.

- Taxi: Chi phí sẽ giao động khoảng 500.000 – 600.000 VNĐ/lượt.

- Xe buýt:  Để đi địa đạo Bến Dược: Bạn đi xe số 13 (Bến Thành – Củ Chi) hoặc xe số 94 (Chợ Lớn – Củ Chi) để đến bến Củ Chi.  Sau đó, chuyển sang xe số 79 (Củ Chi – Dầu Tiếng) để đến địa đạo Bến Dược.

Để đi địa đạo Bến Đình: Bạn đi xe số 13 (Bến Thành – Củ Chi) hoặc xe số 94 (Chợ Lớn – Củ Chi) để đến bến An Sương. Sau đó, chuyển sang xe số 122 (An Sương – Tân Quy) để đến bến Tân Quy. 
Cuối cùng, đi xe 70 (Tân Quy – Bến Súc) để đến địa đạo Bến Đình.

- Cano, thuyền

Giá vé tham quan địa đạo Củ Chi

- Vé vào cổng: Người lớn: 35.000 VNĐ/người;  Trẻ em dưới 16 tuổi, học sinh, sinh viên: 18.000 VNĐ/người; Trẻ em dưới 7 tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, lực lượng vũ trang, người có công với cách mạng, hộ nghèo: Miễn phí

- Vé khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi: 40.000 VNĐ/người

- Giờ mở cửa: từ 7h00 – 17:00 cả tuần

Khám phá khu di tích Địa đạo Củ Chi

- Tham quan hầm địa đạo Củ Chi: Đây là hoạt động giúp bạn trải nghiệm cảm giác của những chiến sĩ bộ đội xưa. Hệ thống đường hầm này dài đến 120m với 2 tầng sâu khác nhau. Ngoài ra, bạn có được thưởng thức món khoai mì, sắn, củ mài chấm muối mè được chế biến tại bếp Hoàng Cầm ngay bên trong đường hầm. 

- Khu tái hiện vùng giải phóng: 

Ý tưởng xây dựng Khu tái hiện Vùng giải phóng Củ Chi được lãnh đạo thành phố chấp thuận và chỉ đạo thực hiện từ năm 1998 trên diện tích 38,5ha. Năm 2001, công trình chính thức triển khai thi công không gian 1, không gian 2 và khánh thành đưa vào hoạt động trong năm 2003, đến nay công trình đã được hoàn thiện. Khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi được chia ra các không gian:

* Không gian 1: Tái hiện lại thời điểm chiến tranh đặc biệt vào những năm 1961 – 1964, giới thiệu cuộc sống của người dân trong vùng mới giải phóng, với khí thế cùng với sự lạc quan, tin tưởng, hăng hái tham gia phong trào cách mạng của người dân Củ Chi. 

* Không gian 2: Tái hiện lại thời điểm chiến tranh cục bộ vào những năm 1965 – 1968, là lúc cuộc chiến tranh đánh phá ác liệt của địch vào vùng giải phóng Củ Chi. 

* Không gian 3: Tái hiện lại vùng trắng ở Củ Chi của những năm 1969 – 1972, phản ánh cuộc chiến tranh đến đỉnh cao của sự ác liệt nhất. Nơi đây tái hiện hình ảnh của vùng đất Củ Chi trở thành khu tự do oanh kích của địch. Chúng đã ném xuống hàng trăm tấn chất độc hóa học, hàng trăm ngàn tấn bom, pháo để tàn phá vùng đất này, biến nơi đây thành một vùng đất trắng hoang tàn không nhà, không cửa, không còn sự sống trên mặt đất…chỉ có những xác xe tăng, máy bay, xe ủi. Cuộc sống và sinh hoạt của quân dân du kích Củ Chi và các đơn vị lực lượng võ trang được chuyển xuống lòng đất.

Năm 2002 Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đã khởi công xây dựng công trình hồ cảnh quan mô phỏng Biển Đông và trồng rừng gỗ quý 3 miền theo hình dáng bản đồ Việt Nam. Đến năm 2008, bắt đầu khởi công xây dựng 3 mô hình tiêu biểu đặc trưng của 3 miền gồm Chùa Một Cột đại diện cho miền Bắc; Ngọ Môn Huế đại diện cho miền Trung; Bến Nhà Rồng đại diện cho miền Nam.

Ba công trình trên được khánh thành đưa vào hoạt động ngày 19/12/2009. Đây là nơi để người dân TP.HCM và các tỉnh ở phía Nam có điều kiện đến tham quan các công trình kiến trúc tiêu biểu, di sản văn hóa thế giới của các vùng miền kết hợp với việc tham quan địa đạo để giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ Việt Nam đồng thời đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược.

- Khu vui chơi, giải trí: Ở đây có khu vui chơi giải trí nước, bạn có thể tắm hồ bơi, đạp xe quanh hồ, chèo thuyền kayak... Mỗi hoạt động đều có thu phí nên bạn muốn chơi trò nào thì mua vé riêng.

- Khu bắn súng: Phù hợp cho những người thích trải nghiệm hoạt động cảm giác mạnh. Có hai dịch vụ cho bạn chọn là: bắn súng thể thao quốc phòng và bắn súng đạn sơn.

Với môn bắn súng thể thao quốc phòng, bạn có thể thử tài bắn súng trường, học cách tháo lắp súng dưới sự hướng dẫn của nhân viên. Giá đạn cho từng loại súng dao động từ 40.000đ đến 60.000đ/viên.

Với bắn súng đạn sơn chi phí là 50.000đ/người cho mỗi lượt 60 phút, và giá đạn là 3.000đ/viên.

- Tham quan trạm cứu hộ động vật hoang dã: địa điểm này chỉ cách trung tâm khu du lịch khoảng 1km, tọa lạc giữa bến Dược và bến Đình. Đây cũng được xem là trạm cứu hộ lớn nhất tại khu vực phía Nam với hơn 3.600 loài động vật quý hiếm. 

Ăn gì khi tham quan địa đạo Củ Chi?

- Khoai mì: Đây là món ăn dân giã không thể bỏ qua khi đến tham quan địa đảo Củ Chi. Khoai mì sẽ được nấu ở bếp Hoàng Cầm ở đường hầm dưới địa đạo.

- Bò tơ Củ Chi: Bò tơ có thể được chế biến thành rất nhiều món như: lẩu bò, bò nướng, bò nhúng giấm, đuôi bò hầm, phá lấu, gỏi bò,…

Theo thanhnienviet

Phương Vũ (TH)

  • Facebook
  • Chia sẻ
Nhadat.cafeland.vn - Kênh mua bán nhà đất - bất động sản chính chủ hàng đầu Việt Nam