"Thực sự, đợt dịch này đúng là hàng trăm năm có một nhưng ngân hàng hỗ trợ rất ít.".
"Hiện tại vợ chồng tôi cũng đang đau đầu vì tình hình dịch bệnh. Năm ngoái gia đình tôi cùng gia đình chị gái đã mua chung một căn chung cư bằng cách đóng tiền theo tiến độ thi công, tới năm 2023 thì sẽ hoàn tất và bàn giao nhà.
Giá trị thực của căn nhà là 2,6 tỷ đồng nhưng vì chồng tôi làm nhân viên của công ty nên được chiết khấu giảm trừ các khoản theo thâm niên và thành tích nên chỉ còn 1,7 tỷ đồng.
Hiện tại vợ chồng tôi và gia đình người chị mỗi tháng đóng 41 triệu đồng (gia đình tôi đóng 24 triệu đồng). Gia đình tôi có bốn người, hai vợ chồng và hai con nhỏ. Bình thường hàng tháng lương chồng tôi khoảng 15 triệu đồng, còn lại là do tôi kinh doanh buôn bán. Mỗi tháng trừ chi tiêu cho gia đình thì hai vợ chồng vừa đủ trả tiền nhà.
Nhưng tình hình hiện nay do dịch bệnh phức tạp cửa hàng của tôi phải nghỉ, nhưng vẫn phải trả tiền mặt bằng 9 triệu đồng. Cộng thêm tiền chi phí cho một bé 3 tuổi và một bé 6 tháng tuổi. Tiền lương chồng thì chỉ đủ trả tiền mặt bằng và tiền nuôi con, trong khi không có tài sản thế chấp gì để vay ngân hàng.
Gia đình nội ngoại đều khó khăn. Chúng tôi không biết làm gì để qua mùa dịch khi tin nhắn đóng tiền nhà hàng tháng của công ty tới đều".
Trên đây, độc giả Hai Yen Pham chia sẻ sau bài viết về tình hình khó khăn vì thu nhập giảm của người mua nhà trả góp trong mùa dịch Covid-19. Thu nhập giảm nhưng các khoản vay trả góp, lãi suất vẫn giữ nguyên. Độc giả Kevin Nguyen đánh giá:
"Với tình hình dịch bệnh như thế này có lẽ kéo dài hết năm cũng chưa biết như thế nào. Có hai lựa chọn, một là bán căn chung cư đi trả ngân hàng, bán hòa vốn chứ lỗ thì khó, chưa nói là lời chút đỉnh nếu bạn mua đúng giá. Thứ hai là phải thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, nhảy ra làm việc khác, bán hàng online...để tăng thu nhập".
Một số độc giả chia sẻ đã bán lại nhà để giảm áp lực nợ nần:
Độc giả Trần văn thành: "Khi mua nhà hai tỷ tôi đã vay ngân hàng một tỷ, được đúng một năm thì đợt dịch đầu tiên bùng lên và tôi phải nghỉ việc 20 ngày. Trong 20 ngày ở nhà chỉ ăn với ngủ và tôi đã quyết định bán vì hàng tháng phải trả 10 triệu đồng tiền lãi, mà không biết khi nào mới hết dịch.
Sau khi bán tôi đi thuê nhà ở và bỏ ra 1,7 tỷ đồng mua một miếng đất và giờ miếng đất đó đã có giá 3 tỷ sau một năm nhưng tôi cũng không có ý định bán nó để mua nhà vì cũng không cần thiết, cứ ở trọ cũng không sao".
Độc giả Le Minh: "Tôi mua chung cư cuối năm 2020, chuẩn bị nhận nhà và thanh toán 1,5 tỷ còn lại ( giá mua 2,6 tỷ) nhiều ngân hàng hỗ trợ khoản vay. Nhưng thấy tình hình dịch bệnh căng quá nên tôi quyết định bán với giá 3,4 tỷ sau 2 năm đầu tư để nhẹ cái đầu, tiếp tục thuê nhà trong thời gian này có lẽ là quyết định khả thi".
"Tôi vay xây nhà không nhiều nhưng lại đăng ký thời hạn có 5 năm nên mỗi tháng trả nhiều hơn. Tôi làm giáo viên trường tư và dạy tự do nhưng vẫn đủ trả nợ và gia đình sống ổn. Tuy nhiên thời gian qua dịch đến là học sinh nghỉ nên tôi cũng nghỉ không lương hoặc lương ít vì dạy online không được bao nhiêu (lương theo tiết dạy).
Sau khi cầm cự được đợt Covid-19 đầu thì lần này tôi đã phải xin ngân hàng đảo hạn vay (vay một khoản mới với thời hạn dài để trả khoản cũ với thời hạn ngắn) để có thể dễ thở hơn.
Thực sự đợt dịch này đúng là hàng trăm năm có một nhưng ngân hàng hỗ trợ rất ít. Tôi được giãn nợ vài tháng (chỉ trả lãi, không trả gốc) nhưng phần nợ thiếu đó tôi phải hoàn lại ngân hàng sau khoảng một năm. Với tôi như vậy cũng chẳng khác gì không hỗ trợ vì thu nhập sau khi hết dịch cũng đâu đột phá lên được".
Hữu Nghị (VnExpress)