Dân trí Không mua quần áo mới, không tiệc tùng, chỉ dùng giao thông công cộng, gom góp các phiếu giảm giá, miễn phí... là những mẹo tiết kiệm để mua được 2 căn hộ ở trung tâm thành phố gây tranh cãi.
Video Wang Shenai nói về lối sống tiết kiệm của mình thu hút hơn 500 triệu người theo dõi trên Weibo (Ảnh: QQ).
Ở tuổi 32, Wang Shenai, cô gái Trung Quốc nổi tiếng bởi tính tiết kiệm đến mức keo kiệt của mình, đã sở hữu 2 căn hộ ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.
Wang, đã kết hôn và có một con, tiết kiệm khoảng 90% tiền lương, con số cụ thể không được tiết lộ, trong 9 năm qua để mua bất động sản.
Câu chuyện của Wang đã làm dấy lên cuộc tranh luận liệu người trẻ có nên học tập lối sống này của Wang hay không. Bởi lối sống này đi ngược với tiêu chí của giới trẻ Trung Quốc gần đây là "lối sống hưởng thụ trước mắt".
Theo đó, Wang đã đưa ra một số chiến lược, mẹo tiết kiệm tiền độc đáo của mình bao gồm: không mua quần áo mới, không tiệc tùng, tránh xa các món đồ hiệu, chỉ sử dụng phương tiện giao thông công cộng và gom góp các phiếu giảm giá, miễn phí.
"Tôi chỉ tiêu tối đa 100 nhân dân tệ/năm (356.000 đồng) để mua đồ lót vì mặc đồ lót đã qua sử dụng không tốt. Tôi có một người bạn thích mua quần áo và thường xuyên vứt những món đồ chỉ mới mặc vài lần. Cô ấy sẽ cho tôi chọn bất cứ thứ gì tôi muốn trong tủ quần áo đã qua sử dụng".
Wang không bao giờ tham gia các bữa tiệc vì quá tốn kém. Cô chỉ sử dụng phương tiện giao thông công cộng và cố gắng trả càng ít càng tốt bằng cách sử dụng các phiếu giảm giá săn tìm trên mạng.
Bà mẹ 32 tuổi chưa bao giờ nghĩ đến việc mua hàng xa xỉ.
"Đối với một số người, tiêu tiền khiến họ hạnh phúc. Nhưng bản thân tôi không cảm thấy hạnh phúc chút nào. Thay vào đó, tôi cảm thấy căng thẳng và lo lắng khi tiêu tiền", Wang nói.
Wang cho biết lối sống của mình đã ảnh hưởng đến chồng con. Cô nói rằng ông xã cô vẫn đang sử dụng chiếc điện thoại lỗi thời đến nỗi chỉ có đủ bộ nhớ để chạy ứng dụng WeChat - ứng dụng tối thiểu để bắt kịp những thông tin trên mạng.
Lối sống này làm dấy lên những tranh cãi liệu có cần thiết phải tằn tiện tới vậy (Ảnh: QQ).
Wang nói cô muốn cho người trẻ thấy được rằng chỉ cần làm việc siêng năng và sử dụng tiền bạc hợp lý sẽ mang đến cuộc sống xa xỉ, có giá trị hơn nhiều so với một chiếc túi thời trang hay tủ quần áo mới. Công việc ở một công ty thời trang càng củng cố niềm tin rằng cô chỉ nên mua những gì thực sự cần thiết.
Wang cho biết tài sản mang lại cho cô cảm giác an toàn và là nơi cô cất giữ toàn bộ số tiền có được nhờ chăm chỉ làm việc và tiết kiệm.
"Tôi nghĩ phụ nữ rất nên mua và sở hữu bất động sản, bất kể lớn hay nhỏ. Khi gặp thất bại, bạn có thể trở về nhà của chính mình", cô nói và cho rằng: "Tiết kiệm tiền không có gì phải xấu hổ".
Những người phản đối lối sống của Wang cho rằng truyền thông đang cổ súy cho sự tằn tiện cực độ, nhiều người dù tiết kiệm cũng vẫn không đủ tiền để mua một căn nhà. Tuy nhiên, những người ủng hộ lại cho rằng đây là một việc làm khôn ngoan để chống lại những cám dỗ từ một xã hội đầy rẫy vật chất.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Trung Quốc, thế hệ trẻ hiện nay tức là độ tuổi 25 trở về trước dự kiến sẽ đóng góp 65% trong tổng tăng trưởng tiêu thụ các thương hiệu xa xỉ vào năm 2021. Do đó, cuộc tranh luận có nên sống tiết kiệm hay không thực sự thu hút nhiều người theo dõi.
Hằng Đoàn (Dân trí)