Sau 21 năm, vợ chồng tôi vẫn có nhà, ôtô, hai mảnh đất để dành và 1,5 tỷ đồng tiền mặt để sống khỏe.
Tôi vốn là một cô gái quê nghèo nhưng tiêu xài hoang phí. Sau khi kết hôn, tôi phải rèn cho mình thói quen tiết kiệm để hòa hợp với chồng. Đến nay, sau 21 năm chung sống, vợ chồng tôi đã có khoản tài sản đủ để nuôi con ăn học, lo nhà cửa cho chúng và dưỡng già cho mình. Cách tiết kiệm của chúng tôi như sau:
1. Chăm chỉ làm việc
Hai vợ chồng tôi đều chăm chỉ kiếm tiền và làm việc nhà. Ngoài công việc chính ở cơ quan nhà nước, chúng tôi đều tranh thủ làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập bằng những công việc ngoài chuyên môn.
2. Chi tiêu hợp túi tiền
Về ăn uống, tôi luôn cố gắng lựa chọn đồ tươi ngon, giá rẻ nên thường về chợ quê (cách chỗ ở 15 km) để mua thực phẩm.
Về quần áo, mỹ phẩm, làm đẹp: Mỗi năm, tôi đầu tư khoản này cho bản thân giới hạn trong 10 triệu đồng (khoảng 5 năm gần đây). Chồng tôi trung bình ba năm mới mua đồ mới một lần, mà trông vẫn thanh lịch.
Về giáo dục con cái, thời kỳ ở tập thể cơ quan, so với gia đình khác, con đầu lòng của chúng tôi được chăm lo tốt hơn về cả vật chất (ăn uống, mặc, đồ chơi...) và tinh thần (bố mẹ cùng quan tâm, chăm lo mỗi ngày).
Chúng tôi thích đọc sách nhưng chỉ mua sách khi giảm giá và đăng ký thẻ mượn ở Thư viện tỉnh. Chúng tôi hạn chế cho con đi học thêm để tiết kiệm chi phí và tránh áp lực cho con. Bản thân hai con cũng không thích đi học thêm. Trừ môn Toán, các môn còn lại tôi đều hướng dẫn con sử dụng tài liệu từ sách và mạng xã hội.
Hai con tôi đều tự học khá tốt. Ở cấp học nào, các con cũng nằm trong top đầu của lớp. Chúng tôi không kỳ vọng con thành người xuất sắc nhất nên hai con không học trường chuyên, không học Đại học top đầu (trên 25 điểm). Giờ hai con tôi đều đang học Đại học với ngành nghề mà các con yêu thích.
Về du lịch, trước khi dịch bệnh tràn tới, mỗi năm, gia đình tôi đi du lịch hai lần một năm với chi phí mặc định là số thu nhập ngoài lương của vợ (được nhiều thì đi xa, được ít thì đi gần).
Về quan hệ nội, ngoại, chúng tôi may mắn là có bố mẹ hai bên đều có lương hưu, tuy không nhiều, và các cụ rất ngại phiền đến con cháu. Thỉnh thoảng, chúng tôi mua đồ ăn ngon, thuốc bổ biếu bố mẹ. Các anh chị em của chúng tôi đều tự lập. Nhiều người có điều kiện kinh tế nên không cần đến sự giúp đỡ của chúng tôi. Chỉ có người chị ruột của tôi vất vả hơn nên tôi thường giúp đỡ tiền bạc để các cháu ăn học, cho vay vốn để anh chị làm ăn.
Về các khoản tiêu dùng khác, để tiết kiệm chi phí, chồng tôi tính toán rất kỹ trước khi làm nhà. Chỉ làm nhà nhỏ, đủ diện tích sử dụng, đồ dùng tối giản, thuận tiện cho sinh hoạt gia đình. Mọi đồ dùng trong nhà đều mua từ các hãng có uy tín, khi bị hỏng thì chồng tôi tự sửa. Chúng tôi sử dụng điện, nước không lãng phí (chỉ dùng hai điều hòa, hai tivi, tắt mọi bóng điện không cần thiết).
Chúng tôi không mua sắm những thứ xa xỉ. Điện thoại cũng chỉ dùng loại dăm triệu, xe máy Honda, ôtô bình dân (trên 400 triệu)...
3. Đặt mục tiêu tiết kiệm và thực hiện
Trong những năm đầu sau hôn nhân, tôi luôn phấn đấu dành hai suất lương để tiết kiệm. Bây giờ, tôi vẫn giữ mục tiêu đó. Do vậy, dù nay không thể làm thêm, nhưng chúng tôi vẫn có khoản tiền lãi ngân hàng để tiêu dùng.
4. Đầu tư
Là viên chức, hai vợ chồng tôi đều năng động nhưng không dám nghĩ, dám làm việc lớn (vì sợ rủi ro). Tính cách đó hạn chế nhiều cơ hội mua đất của chúng tôi (ít nhất ba lần bỏ lỡ). Tuy vậy, từ năm 2000 đến năm 2011, chúng tôi đã mua được ba suất đất, dù mua "hớ". Sau đó, chúng tôi làm nhà trên một mảnh đất ở thành phố. Hai mảnh còn lại ở ngoại thành cứ để đó, sau này lo cho con.
Bây giờ, với gần 1,5 tỷ tiền mặt trong tay, không đủ để mua đất, tôi chia nhỏ gửi vào năm ngân hàng khác nhau với kỳ hạn 13 tháng (lãi suất từ 6.0 – 7.1%), trong đó có 100 triệu đồng gửi kỳ hạn một tháng để tiện rút khi cần gấp. Tôi chỉ biết đầu tư như vậy.
Với lối sống tiết kiệm, chăm chỉ làm việc, chúng tôi có thể yên tâm về tài chính. Khoảng chục năm nay, chúng tôi sống khá thoải mái nhưng vẫn trong khuôn khổ, không ăn chơi quá đà, không dùng đồ xa xỉ. Tôi cũng thường xuyên làm từ thiện trong điều kiện của mình (bằng công sức và tài chính bản thân).
Tôi tự nhủ sẽ tiếp tục vừa làm việc, vừa hưởng thụ, vừa tiết kiệm. Tất nhiên, làm những việc vừa sức mà mình thích, vừa vui lại có thu nhập. Như vậy, khi gặp khó khăn chúng tôi vẫn vững vàng, khi già không trở thành gánh nặng cho con cháu.
Trên đây là vài chia sẻ của tôi về cách tiết kiệm của gia đình tôi. Tất nhiên, mỗi người lại có quan niệm sống, có thói quen tiêu dùng khác nhau, nhưng tiết kiệm để phòng lúc sa cơ, lỡ vận là điều vô cùng cần thiết với mọi người. Chúc các bạn vững vàng đi qua thời kỳ khó khăn khi dịch bệnh bùng phát.
>> 5 kinh nghiệm đầu tư đất nông nghiệp an toàn, sinh lời
>> Tăng 20 lần thu nhập để mua nhà Sài Gòn
Thùy Miên