Trước khi mua nhà bằng vi bằng, người dân đã lên phường để tìm hiểu pháp lý, dự án xây dựng xong vào ở 6 năm không một lần bị nhắc nhở về sai phạm. Tuy nhiên, mới đây người dân “tá hoả” khi chính quyền thông báo công trình xây dựng sai phép buộc tháo dỡ.
Đó là tình cảnh của 43 hộ dân mua nhà tại khu đất có địa chỉ 161/152 Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, Quận 12, TP.HCM.
Nguy cơ mất trắng
Những ngày này, 43 căn nhà tại khu đất có địa chỉ 161/152 Tô Ngọc Vân rợp đỏ băng rôn. Nội dung của những băng rôn này đề cập đến việc yêu cầu chính quyền bảo vệ tài sản hợp pháp của người dân, làm rõ hành vi bao che xây dựng sai phép…
Anh T, một người dân tại đây cho biết, năm 2016 họ ký hợp đồng với Công ty TNHH Nông Hải Sản Yến Nhi để mua nhà tại khu đất này với tên gọi “dự án Khu dân cư mới Thạnh Xuân”.
Do các căn nhà không đủ diện tích tách sổ nên các hộ dân đều mua theo hình thức vi bằng. Trước lúc mua, họ cũng đã lên phường để tìm hiểu về pháp lý khu đất. Năm 2017, các căn nhà xây dựng hoàn thiện và bàn giao cho người dân vào ở.
Từ đó đến nay, gần 200 người dân sinh sống ổn định ở đây và không nhận được bất kỳ thông báo nào của chính quyền về sai phạm của dự án.
Tuy nhiên, ngày 18/3/2022, người dân bất ngờ khi nhận được thông báo từ UBND quận 12 cho rằng đây là công trình vi phạm xây dựng đô thị do xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng tạm và buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm. Cụ thể, công trình xây dựng chia thành nhiều căn nhỏ, phát sinh nhiều vách ngăn, cầu thang, cửa đi…
Cũng theo UBND quận 12, khu đất này được ông Hồ Tú, người đại diện của Công ty Nông Hải Sản Yến Nhi mua lại từ ông Lý Chí Minh. Sau đó ông Tú thông qua Công ty Yến Nhi tự lập dự án, tự lên thiết kế bản vẽ xây dựng trên thửa đất.
Ngoài việc xây dựng sai phép, một phần thửa đất tại 161/152 Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12 thuộc quy hoạch công viên cây xanh, một phần thuộc quy hoạch cây xanh cách lý ven rạch, một phần thuộc quy hoạch hành lang bảo vệ điện cao thế 6m, lộ giới đường dự phòng 30m.
Theo phản ánh của người dân, để mua nhà tại dự án này người dân phải bỏ ra số tiền từ 600 triệu đồng đến khoảng 2 tỉ đồng tuỳ thời điểm. Việc dự án sai phạm hoàn toàn là lỗi của chủ đầu tư, một phần là từ việc chính quyền buông lỏng quản lý, không thông tin kịp thời. Do đó, họ kiến nghị cần có giải pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Người dân thua thiệt
Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, với những giao dịch này người dân đang nắm phần thua thiệt.
Thứ nhất là văn bản giao dịch từng phần diện tích của 1 thửa đất (thực chất là tự phân lô) nên giao dịch bị vô hiệu do việc tách thửa chưa được Cơ quan nhà nước công nhận (ghi trên giấy chứng nhận). Thứ hai, việc xây dựng không phép và không đúng mục đích sử dụng đất là trái quy định pháp luật nên có thể bị Cơ quan Nhà nước thanh kiểm tra sau đó và xử lý phá dỡ công trình. Từ việc không đủ điều kiện giao dịch nên việc lập vi bằng không có giá trị và ngoài phạm vi hoạt động của Văn phòng thừa phát lại.
“Với những trường hợp này, khách hàng nên khởi kiện người chuyển nhượng và nên đưa những người có liên quan trong vụ việc để buộc họ hoàn trả số tiền đã nhận nhưng rất khó khắn trong khả năng thu được lại 1 phần tiền đã giao”, ông Phượng nói.
Mua nhà vi bằng người dân dễ gặp rủi ro
Liên quan tới vụ việc này, mới đây ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 12, TP.HCM đã có kết luận chỉ đạo phân công Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Minh Chánh báo cáo trong giao ban Thường trực Quận ủy về tình hình vi phạm xây dựng, việc xử lý của quận, phường, đề xuất hướng xử lý dứt điểm trong thời gian tới và quan điểm của UBND quận xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Giao Văn phòng UBND quận tham mưu UBND quận chỉ đạo về công tác phối hợp các cơ quan, đơn vị trong việc xử lý các trường hợp khi người dân khiếu nại, bức xúc đông người. Phòng Quản lý đô thị tham mưu UBND quận văn bản đề nghị Sở Tư pháp kiểm tra đối với việc lập công chứng vi bằng liên quan 43 trường hợp tại phường Thạnh Xuân của Văn phòng Thừa phát lại quận Gò Vấp, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.
Đề nghị Công an quận, Công an phường Thạnh Xuân theo dõi, nắm chắc thông tin các trường hợp người dân khu vực này để phối hợp các ban ngành, đoàn thể vận động, giải thích tránh tình trạng người dân kéo lên UBND quận. Đồng thời, tăng cường nắm thông tin, xử lý ban đầu từ phường, tránh trường hợp người dân kéo lên quận, UBND TP gây mất an ninh trật tự.
Trần Phong